Thứ Tư, 30 tháng 9, 2009

Thời nghịch lí

Phạm Đình Trọng

Một trang web của Bộ Thương mại, nay là Bộ Công thương, mang tên miền nhà nước ta, gov.vn, để cho phía Trung Quốc sử dụng đưa thông tin theo ý đồ Trung Quốc, khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ Trung Quốc, đó thực sự là vụ việc xâm hại nghiêm trọng lợi ích quốc gia, tiếp sức cho tham vọng bành trướng của Trung Quốc thôn tính biển đảo của tổ tiên ta, gây tổn hại lâu dài đến pháp lí về chủ quyền của ta đối với Trường Sa, Hoàng Sa!

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam sốt sắng đăng lại bài trên báo Trung Quốc đưa tin chi tiết về hoạt động của hải quân Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa của ta mà Trung Quốc đánh chiếm từ năm 1974, đưa cả lời giáo huấn binh lính của người chỉ huy hải quân Trung Quốc rằng những hoạt động của họ ở Hoàng Sa là để bảo vệ biên cương phía nam của tổ quốc Trung Quốc. Đăng bài như vậy báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp sóng tuyên truyền cho báo chí Trung Quốc, khẳng định Hoàng Sa là lãnh thổ Trung Quốc, như các đài truyền hình các tỉnh ở ta tối tối vẫn tiếp sóng chương trình Thời sự của đài truyền hình trung ương phát đi từ Hà Nội. Việc làm nô lệ vọng về Bắc triều này không những xâm hại nghiêm trọng lợi ích quốc gia, tiếp tay cho hành động cướp đất đai biển trời của ta mà còn xúc phạm vong hồn những người Việt Nam yêu nước đã ngã xuống để giữ gìn những núm cát Hoàng Sa của tổ tiên. Máu của họ đã tan trong nước biển, xác cũng không còn nữa, chỉ còn hồn thiêng của họ ở lại với đất đai tổ tiên. Nay báo điện tử của đảng cầm quyền cũng nói theo báo Trung Quốc rằng đất đai của tổ tiên những hồn thiêng ấy đã là biên cương Trung Quốc rồi!

Hai sự việc gây nguy hại lợi ích quốc gia ở cấp nhà nước đã được cơ quan pháp luật bỏ qua! Nhưng những người dân thường bộc lộ lòng yêu nước, nhà giáo, nhà văn treo băng chữ Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam, nhà báo viết trên báo của cơ quan nhà nước, người chơi blog viết trên trang mạng của mình nói lên tiếng nói của hàng triệu trái tim Việt Nam lên án hành động cướp biển của Trung Quốc, ngang ngược phong toả ngư trường ngàn đời của dân ta, xua đuổi, bắt bớ, bắn giết dân ta đánh cá thì liền bị pháp luật trừng trị, bị bắt khẩn cấp vì tội xâm hại lợi ích quốc gia!

Những nghịch lí trên bộc lộ nhiều điều chưa ổn về đường lối đối nội, đối ngoại, về bộ máy nhà nước, nơi thực thi pháp luật với người dân, về nhận thức và cách thực hiện mối quan hệ giữa dân tộc và đảng cầm quyền. Chỉ xin nêu ba nghịch lí, ba điều chưa ổn nổi cộm.

1. MỌI CÔNG DÂN VIỆT NAM KHÔNG ĐƯỢC BÌNH ĐẲNG TRƯỚC PHÁP LUẬT

Hiến pháp năm 1992 là hiến pháp hiện hành đã dành riêng một điều để làm nổi rõ nội dung: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nhưng thực tế, bộ máy nhà nước thực thi hiến pháp, pháp luật đã xử sự theo cách: Mọi công dân không được bình đẳng trước pháp luật! Thành ngữ mới của dân gian đương thời có câu: "Tắm từ chân trở xuống" để đúc kết một thực tế là luật pháp được vận hành quá nghiệt ngã, tùy tiện với dân thường nhưng lại quá nương nhẹ, bỏ qua với quan chức. Quan chức càng cao thì sự nương nhẹ, bỏ qua càng lớn. Tham những lộng hành tràn lan làm cho cơ thể xã hội VIệt Nam quá lem luốc, bệnh tật, cần phải mạnh tay tắm rửa, kì cọ, sát trùng từ đầu trở xuống. Phải có chức quyền mới có thể tham nhũng! Cấp trên phải đồng thuận, cấp dưới mới có thể tham nhũng! Tôi xin phép Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng mượn chữ "đồng thuận" của ông khi ông nói rằng dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên được sự đồng thuận của xã hội! Thực tế khẳng định rằng hoàn toàn không có chuyện người dân đồng thuận với dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, nhưng trong một số vụ án tham nhũng lớn phải có sự đồng thuận trên dưới!

Số tiền gần một triệu đô la phía Nhật Bản hối lộ để trúng thầu dự án Đại lộ Đông Tây và môi trường nước ở thành phố Hồ Chí Minh thì ông giám đốc dự án Huỳnh Ngọc Sĩ không dám và không thể nuốt một mình. Phải có sự đồng thuận của một cấp trên nào đó. Người đưa hối lộ phía Nhật Bản đã khai rõ tên tuổi, chức vụ người nhận hối lộ phía Việt Nam, đã khai rõ số tiền hối lộ. Toà án Nhật Bản đã phán quyết. Người đưa hối lộ đã chấp hành xong bản án. Sự việc rõ ràng, chứng cứ cụ thể đến thế, nếu bộ máy nhà nước Việt Nam thực sự quyết tâm chống tham nhũng, nếu không có uẩn khúc phía sau, không có vùng "kiêng tắm" thì cơ quan pháp luật Việt Nam phải chủ động, nhanh chóng và quyết liệt vào cuộc. Nhưng phía Việt Nam, nơi có người nhận hối lộ lại nói ráo hoảnh, dửng dưng để hoãn binh và phủi trách nhiệm: Cứ đưa chứng cứ đây, chúng tôi sẽ xử lí! Cho đến nay, ông Huỳnh Ngọc Sĩ, người bị phía Nhật Bản nêu tên nhận hối lộ mới chỉ bị truy tố về tội mang nhà công vụ cho phía nhà thầu Nhật Bản thuê, lấy tiền chia chác nội bộ, chỉ là tội riêng của mấy thầy trò ông Sĩ, không dính dáng đến cấp cao nào. Còn vụ án chính nhận hối lộ gần một triệu đô la thì hồ sơ vẫn đang nằm trên bàn các cơ quan có trách nhiệm để nghiên cứu và để chờ xin ý kiến cấp trên! Những diễn biến trên làm cho người dân dù vô tư, tin tưởng vào nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đến đâu cũng phải nhận ra sự không bình thường, cũng phải nghi vấn về những sự đồng thuận ở phía sau và cũng phải nhận ra sự nương tay của pháp luật dành cho ông giám đốc nhận hối lộ!

Chỉ tội nghiệp cho những dân đen chốn nhân gian, những Mẹ Nấm, Người Buôn Gió… chỉ vì viết blog bày tỏ lòng yêu nước, bày tỏ sự bất bình trước việc Trung Quốc ngang ngược lộng hành cướp biển của ta, bắt giết dân ta mà bị khép tội xâm hại lợi ích nhà nước! Lên án kẻ cướp đất, cướp biển, cướp đảo, khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam mà xâm phạm lợi ích nhà nước thì lợi ích nhà nước ấy là bảo vệ kẻ xâm lược sao? Thì nhà nước ấy chối bỏ Trường Sa, Hoàng Sa không phải là biển đảo Việt Nam sao?

Hiến pháp ghi: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Nhưng Mẹ Nấm buộc phải cam kết từ bỏ quyền công dân đã được hiến pháp trao cho, cam kết không được viết blog nữa mới được công an Khánh Hoà trả tự do. Hiến pháp ghi: Công dân có quyền tư do đi lại và cư trú ở trong nước. Không có tội, không có lệnh của pháp luật cấm đi khỏi nơi cư trú, luật sư Lê Trần Luật từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội trợ giúp pháp lí cho giáo dân Thái Hà kiện cơ quan thông tin nhà nước nhưng luật sư Lê Trần Luật ra đến sân bay Tân Sơn Nhất thì bị công an thành phố Hồ Chí Minh buộc phải quay về nhà!

Nương tay với những quan chức nhà nước hư hỏng và vi phạm pháp luật gây nguy hại lợi ích nhà nước và an ninh quốc gia nhưng bộ máy nhà nước đã vận hành thô bạo và tùy tiện tước đi quyền công dân, tước đi cả lòng yêu nước của người dân! Một nhà nước như vậy mà là nhà nước của dân, do dân, vì dân sao?

2. NHÀ NƯỚC KHÔNG CÙNG TIẾNG NÓI YÊU NƯỚC VỚI NHÂN DÂN

Dân tộc nào cũng coi độc lập dân tộc là giá trị tối cao và giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ là sự sống còn của dân tộc, là nghĩa vụ thiêng liêng của các thế hệ nối tiếp. Độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ đã trở thành lẽ sống, thành ý chí của mọi dân tộc. Không có ý chí độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, dân tộc sẽ bị xoá sổ. Có những dân tộc đã để lại cả nền văn minh huy hoàng, để lại những đền tháp uy nghi mang triết lí rất sâu sắc, thâm trầm mà dân tộc đó nay chỉ còn cái tên, không còn không gian lãnh thổ, không còn cộng đồng dân cư cố định. Tên gọi dân tộc đó chỉ nhắc đến sai lầm của người đứng đầu dân tộc ở thời điểm lịch sử không được phép sai lầm. Tên gọi dân tộc đó chỉ gợi một quá khứ đau buốn, tủi hờn, ngậm ngùi.

Ở liền kề với nhà nước Trung Quốc khổng lồ, luôn lăm le lấn đất, thôn tính lân bang thì ý chí độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc ta càng phải mãnh liệt, sắt đá. Ý chí ấy đã trở thành tài sản tinh thần vô giá, tạo nên khí phách Việt Nam "Thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc" và là yếu tố quyết định nhất để núi sông biển trời Việt Nam còn lại đến hôm nay, để dân tộc Việt Nam tồn tại đến hôm nay.

Vừa kết thúc cuộc chiến tranh giữ nước ba mươi năm chống Pháp rồi chống Mĩ, cả dân tộc đã kiệt sức, như lả đi, những người lính da còn tái xanh vì sốt rét, mặt còn hốc hác vì thiếu ăn, thiếu ngủ, hình hài xiêu vẹo vì thương tật nhưng khi phương Bắc đưa đại quân tràn qua biên giới nước ta, dân tộc ta lại đứng lên mạnh mẽ như Thần Phù Đổng, lại trùng trùng đội ngũ hành quân từ bưng biền Nam Bộ, từ rừng núi Khu Năm, từ châu thổ sông Hồng lên biên giới phía Bắc chặn giặc. Hàng chục ngàn dòng máu con Hồng cháu Lạc lại tuôn chảy, hàng chục ngàn sinh mạng Việt Nam lại ngã xuống để bảo vệ biên cương. Đó là ý chí độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam.

Khi Trung Quốc sáp nhập Hoàng Sa, Trường Sa, máu thịt của cơ thể Tổ quốc Việt Nam vào phủ huyện Trung Quốc thì thanh niên, học sinh, sinh viên Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh lập tức tự động gọi nhau tập hợp kéo đến cơ quan đại diện của Trung Quốc thét vang: Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Đó là ý chí độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam.

Khi Trung Quốc giăng tàu chiến phong toả biển của ta, đâm chìm tàu hải quân ta, không cho dân ta đánh cá trên biển của ta, cướp tàu, cướp cá của dân ta, bắt bớ, bắn giết dân ta, trong khi cả hệ thống gần ngàn cơ quan truyền thông của nhà nước chỉ thông tin sự việc dè dặt và nhỏ giọt như chỉ dám nói thầm trong cổ họng, bàng quan như sự việc xảy ra trên cung trăng, đôi mắt của gần ngàn cơ quan truyền thông nhà nước như nhắm tịt lại trước lãnh thổ thiêng liêng bị xâm phạm, trước số phận đất nước bị đe doạ, trước cuộc sống của nhân dân bị cướp giật, tính mạng nhân dân bị mất mát, thì hầu hết những trang blog của người dân Việt Nam, những tờ dân báo, những đôi mắt chong chong thức cùng số phận đất nước, thức cùng sinh mạng dân tộc, đã nhanh chóng thông tin đầy đủ hành động lục lâm thảo khấu của phương Bắc, bày tỏ ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Những trang blog đó bừng bừng một khí thế Sát Thát.

Đó là ý chí của nhân dân. Nhưng nhà nước lại không cùng ý chí với nhân dân!

Ngày 17 tháng Hai năm nay, kỉ niệm tròn ba mươi năm, 1979 – 2009, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới ở phía Bắc nhưng gần một ngàn cơ quan thông tấn báo chí của nhà nước không một lời nhắc đến hàng chục ngàn dòng máu con Hồng cháu Lạc đã đổ ra bảo vệ biên cương Tổ quốc. Đạo lí Việt Nam "Uống nước nhớ nguồn" đâu có dạy người Việt Nam vô ơn bạc nghĩa! Sao nhà nước bây giờ lại xử sự bạc bẽo với liệt sĩ, với lịch sử như vậy?

Ngày 3. 12.2007, nhà nước Trung Quốc công bố quyết định sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào đơn vị hành chính Tam Sa của Trung Quốc. Lập tức Chủ nhật 9. 12. 2007 và 16. 12. 2007, thanh niên Việt Nam mang cờ Tổ quốc và băng chữ "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam" tập hợp đông đảo trước cơ quan đại diện Trung Quốc ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đó là việc làm chính đáng và vô cùng cần thiết khẳng định ý chí độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam. Nhà nước huy động lực lượng công an hùng hậu trấn áp bạo liệt sự tập hợp của lòng yêu nước, bắt giam những người mạnh mẽ phản kháng sự xâm lăng của Trung Quốc thì nhà nước ấy có còn đại diện cho ý chí độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam?

Cơ quan Chính phủ, cơ quan thông tin nhà nước nối tiếp nhau nói tiếng nói của Trung Quốc, phụ hoạ với Trung Quốc trong việc hợp thức hoá việc cướp biển, cướp đảo của ta thì được pháp luật dung túng bỏ qua. Người dân nói tiếng nói yêu nước bảo toàn lãnh thổ thiêng liêng thì bị bắt bớ! Sao nhà nước ta bây giờ lại không cùng tiếng nói yêu nước với nhân dân, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của đất nước như vậy?

3. ĐẶT LỢI ÍCH CỦA ĐẢNG LÊN TRÊN LỢI ÍCH DÂN TỘC

Từ những nghịch lí trên, người dân phải cay đắng nhận ra một sự thật là: Đảng lãnh đạo nhà nước và nhà nước đã đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích của dân tộc!

Sau khi chính quyền cộng sản ở Liên Xô và một loạt nước Đông Âu sụp đổ, vài nước cộng sản còn lại trở thành những hòn đảo lẻ loi, khắc nghiệt bên cạnh những lục địa tư bản rộng lớn và tươi xanh. Nước cộng sản nhỏ bé như Việt Nam thì hòn đảo ấy càng mong manh.

Trước sự tan vỡ của cả khối cộng sản lớn, đáng ra phải bừng tỉnh về nhận thức để thấy rằng sự tan vỡ đó là sự phát triển tất yếu của cuộc sống, của tiến hoá, là sự vận động nội tại ngay trong lòng xã hội các nước cộng sản đó để phá vỡ sự kìm hãm phát triển, từ bỏ những nguyên lí giáo điều trái qui luật, trái tự nhiên, trở về đúng qui luật phát triển xã hội. Nhận thức được như vậy ắt sẽ phải hiểu rằng muốn tồn tại không phải là phải tìm đồng minh liên kết với một nước nào mà trước hết phải tự giải phóng khỏi những tư tưởng kìm hãm phát triển để hoà nhập với nhân loại, trở thành một phần hữu cơ của nhân loại, đồng thuận với nhân loại trong mọi sinh hoạt, trong mọi lo toan vì cuộc sống tốt đẹp của con người. Khi đó cả nhân loại lương thiện và nhân văn sẽ ở bên Việt Nam, là đồng minh lớn lao và tin cậy của Việt Nam.

Trong xã hội cũng như trong mỗi con người, sự giải phóng luôn đặt ra, luôn có tính thời sự. Giải phóng đất đai khỏi xâm lăng. Giải phóng con người khỏi nô lệ. Giải phóng những trái tim khỏi những cuộc hôn nhân không tình yêu… Quan trọng nhất là gỉai phóng tư tưởng khỏi những trói buộc phản tự nhiên, phản con người, phản tiến hoá. Năm 1945 châu Âu được giải phóng khỏi hoạ phát xít nhưng một phần châu Âu lại vướng vào tư tưởng triết lí vừa viển vông vừa khắc nghiệt để rồi liên tục đấu tranh, liên tục bạo lực cách mạng, liên tục đổ máu mà xã hội thì triền miên trì trệ trong khi những cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật liên tiếp đưa thế giới ào ạt phát triển mang lại phồn vinh cho xã hội và mang lại mức sống ngày càng cao cho người dân ở những nước không vướng vào tư tưởng triết lí giáo điều. Mãi đến 1990 – 1991 phần châu Âu trì trệ này mới tự giải phóng tư tưởng cho mình.

Cũng như một phần châu Âu sôi sục cách mạng, Việt Nam cũng bị cuốn vào cuộc cách mạng xã hội và cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt. Gần nửa thế kỉ đấu tranh cách mạng và chiến tranh, Việt Nam đã giải phóng đất nước khỏi những đội quân nước ngoài chiếm đóng. Cùng chung hoàn cảnh, cùng chung số phận, cùng chung hệ tư tưởng nhưng khi phần châu Âu trì trệ làm cuộc cách mạng thứ hai giải phóng tư tưởng thì Việt Nam lại làm ngược lại: Kiên định tư tưởng xã hội chủ nghĩa! Đây là thời điểm có cơ hội đột biến tạo bước ngọăt lớn, đòi hỏi trí tuệ, tài năng và sự mẫn cảm, nhạy bén của người lãnh đạo đất nước. Nhưng những tư duy Việt Nam xơ cứng đã nhìn sự sụp đổ của thế giới cộng sản châu Âu không phải do sự vận động nội tại tất yếu trong lòng xã hội cộng sản mà là do: Mĩ và phương Tây muốn cơ hội này xoá cộng sản. Nó đang xoá ở Đông Âu. Nó tuyên bố là xoá cộng sản trên toàn thế giới. Rõ ràng nó là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm! (Lập luận của ông Lê Đức Anh, ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam được dẫn trong hồi kí của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ). Tư duy phe đảng còn nặng nề như vậy, ý thức hệ tư tưởng còn thít chặt như vậy, tất phải tìm đến sự cố kết ý thức hệ: Ta phải tìm đồng minh. Đồng minh này là Trung Quốc (Vẫn lời ông Lê Đức Anh được dẫn trong hồi kí Trần Quang Cơ).

Để duy trì hệ tư tưởng cộng sản, để bảo đảm sự độc tôn thống trị xã hội của Đảng Cộng sản, từ năm 1990 Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ động cố kết liên minh với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Rõ ràng sự cố kết liên minh này chỉ vì hệ tư tưởng cộng sản, chỉ vì lợi ích của Đảng Cộng sản. Thật bất hạnh cho dân tộc Việt Nam khi nhà nước Việt Nam liên minh lép vế, bất bình đẳng với một nhà nước khổng lồ luôn rắp tâm thôn tính đất nước Việt Nam, nô dịch nhân dân Việt Nam. Sự thôn tính nô dịch này đã diễn ra từ hàng ngàn năm lịch sử, ngay từ khi có nhà nước. Những ngày gần đây sau khi có liên minh bất bình đẳng Việt – Trung, sự thôn tính, nô dịch đó càng ngạo ngược, dồn dập ở mọi mặt đời sống xã hội: Chính trị, Địa lí, Kinh tế, Văn hoá, Thông tin Tuyên truyền… Để che giấu, lấp liếm hành động thôn tính, nô dịch Việt Nam, họ vừa không muốn ai nhắc đến những hành động kẻ cướp của họ, họ vừa hào phóng ban phát những lời hào nhoáng nhưng giả dối. Từ mười sáu chữ vàng: Láng giềng hữu nghị, Hợp tác toàn diện, Ổn định lâu dài, Hướng tới tương lai. Đến tứ hảo đại ngôn: Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt. Nay lại thêm mười sáu hạt soàn: Sơn thủy tương liên, Văn hoá tương thông, Lý tưởng tương đồng, Vận mệnh tương quan! Có thể ai đó vì lợi ích cá nhân cục bộ, vì tầm văn hoá và nhân cách quá thấp nên cố tình bị những lời vàng, lời hạt soàn này lừa phỉnh, song nhân dân Việt Nam thì không bị lừa.

Hệ tư tưởng, đảng phái chính trị chỉ là công cụ, là phương tiện để nhân dân thực hiện mục tiêu: Độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu nước mạnh, luật pháp nghiêm minh, người dân được hưởng đầy đủ quyền công dân. Mục đích là tối cao, bất biến, không thể thay đổi. Phương tiện thì vạn biến, thay đổi theo hoàn cảnh, tình thế. Phương tiện cũng rất cần phong phú, đa dạng để người dân được quyền lựa chọn. Vì mục đích có thể hi sinh phương tiện nhưng không thể vì phương tiện mà hi sinh mục đích. Trung Quốc cướp đất, cướp biển, cướp đảo của ta, bắn giết dân ta nhưng vì mối liên minh cố kết giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc mà nhà nước ta không dám tố cáo, phản kháng hành động kẻ cướp đó và nhân dân bộc lộ sự phẫn nộ với kẻ cướp đất đai lãnh thổ thì bị bắt bớ, tù đày. Đó là cách hành xử thiển cận vì phương tiện hi sinh mục đích, vì lợi ích của Đảng mà hi sinh lợi ích dân tộc, đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích dân tộc.

Đó là nghịch lí lớn nhất của một thời đầy nghịch lí!

____________

Nhà văn Phạm Đình Trọng sinh năm 1944 tại Hải Phòng, hiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tác phẩm đã xuất bản: Rừng và biển (1981), Một sự nổi tiếng (1987), Sự tích đảo (1993), Cuộc gặp gỡ muộn màng (1994), Ve ve nói chẳng thèm nghe (1995), Niềm vui lớn của mẹ (2004), Một thuở (2008)…

Nguồn: http://www.talawas.org/?p=10892

Nhân thân và tòa án

Hiệu Minh

(TuanVietNam)- Có những giá trị chung của nhân loại được cả thế giời công nhận như "pháp luật thượng tôn". Phải chăng đưa yếu tố nhân thân tốt nhằm giảm nhẹ tội đôi khi đã làm pháp luật không còn nghiêm minh?


Đạo diễn Roman Polanski bị bắt

11590
Nhân thân hay "thân" nhân tốt cũng không giúp làm "nhân chứng hay vật chứng" ủng hộ trước tòa án Hoa Kỳ, một nơi chỉ dựa vào bằng chứng, có tội hay không có tội, không dựa vào đạo đức của bị cáo hay những người quen can thiệp.

Ngày 27/09, Washington Post đưa tin, Roman Polanski – đạo diễn nổi tiếng người Mỹ, gốc Ba Lan, bị bắt vì tội quan hệ tình dục với trẻ em từ hơn 30 năm trước. Ông này đã bị cảnh sát Thuỵ Sỹ đưa vào trại hôm Thứ Bảy, 26/9/2009, khi tới dự liên hoan phim Zurich.

Ông đã thừa nhận hành vi này vào năm 1977. Tuy nhiên, Polanski đã trốn khỏi nước Mỹ nên chưa hoàn thành vụ xét xử dù ông đã sống trong tù 42 ngày để kiểm tra tâm lý. Hiện ông đang sống yên ổn tại Pháp vì giữa Pháp và Hoa Kỳ không có hiệp ước dẫn độ tội phạm.

Có vụ bắt giữ là do chính quyền Mỹ đã liệt ông vào dạng truy nã trên toàn cầu suốt từ năm 2005 tới nay. Vị đạo diễn 76 tuổi nhiều khả năng bị dẫn độ về Mỹ do yêu cầu của tòa án liên bang Hoa Kỳ.

Mấy năm trước một vị giám đốc nhà ta cũng bị xích tay khi đi dự triển lãm tại đất nước có hồ Leman thơ mộng vì đã vi phạm luật cạnh tranh của Mỹ. Anh chàng Thụy Sỹ này rất thích giúp bắt nghi phạm cho các nước khác.

Nhân thân của Polanski rất hoành tráng. Ông là người đóng góp lớn cho nghệ thuật Thứ 7 thế giới những bộ phim nổi tiếng với các giải cao trên phim trường quốc tế như Chinatown hay Rosemary's Baby. Phim The Pianist – Dương cầm từng đoạt giải Oscar 2003 dành cho đạo diễn, nhưng lần đó ông không tới dự và ban tổ chức đã trao giải vắng mặt, chắc sợ bị cảnh sát Hoa Kỳ bắt tại Hollywood.

"Thân" nhân của Polanski còn mạnh hơn thế. Là một người nổi tiếng nên khi nghe tin ông bị bắt, ban tổ chức liên hoan phim Zurich đã bị sốc và kinh hoàng, trong khi Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp choáng váng, rất lo lắng cho số phận của Polanski.

Văn phòng Tổng thống Pháp Sarkozy đang theo dõi sát vụ này vì Polanski mang cả quốc tịch Pháp. Có điều ông Sarkozy không dám nhấc điện thoại để can thiệp với tổng thống Thụy Sỹ. Tòa án nước này không có thói quen phải tư vấn chính phủ về việc bắt ai, thả ai, hay xử như thế nào.

Luật sư của Polanski đang hy vọng về sự lỏng lẻo trong hiệp định dẫn độ giữa Mỹ và Thụy Sỹ để tìm khe hở và đưa vị đạo diễn này về với gia đình bên Pháp.

Polanski không thể lẩn trốn được pháp luật. Ông bị tạm giam và ngồi suy ngẫm về những gì mình đã làm với cô bé 13 tuổi. Nhân thân hay "thân" nhân tốt cũng không giúp làm "nhân chứng hay vật chứng" ủng hộ ông trước tòa án Hoa Kỳ, một nơi chỉ dựa vào bằng chứng, có tội hay không có tội, không dựa vào đạo đức của bị cáo hay những người quen can thiệp.

Ông Huỳnh Ngọc Sỹ và PCI

11591
Hai bị cáo đứng nghe tòa tuyên án.

Thời gian này năm ngoái, báo chí rộn lên vì vụ PCI và hối lộ động trời. Thông tin từ phía Nhật Bản cho biết: trong quá trình thực hiện dự án ở Tp HCM, từ năm 2003 đến 2006, các quan chức công ty PCI khai đã 2 lần đưa hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sỹ với tổng số tiền là 820.000USD (năm 2003 là 600.000USD và năm 2006 là 220.000USD) để nhận được các hợp đồng tư vấn cho dự án từ nguồn vốn ODA.

Các cơ quan pháp luật của Nhật Bản đã truy tố 4 cựu quan chức của công ty PCI về tội danh đưa hối lộ và vi phạm luật chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật Bản. Tại toà, cả 4 bị cáo trên đều nhận tội và khai nhận hành vi đưa hối lộ. Họ đã bị tòa án tuyên án là có tội và phạt tù.

Sau đó, ông Huỳnh Ngọc Sỹ bị bắt vì tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", không liên quan gì đến tội nhận hối lộ.

Mới đây, tòa xử ông Huỳnh Ngọc Sỹ với bản án 3 năm tù giam, số tiền cáo buộc ông Sỹ "lợi dụng" là 52 triệu đồng (khoảng gần 3000 đô la). Mặc dù trong phiên tòa đã nói rõ, vụ án 52 triệu đồng này không liên quan gì đến vụ đưa nhận hối lộ tại Đại lộ Đông – Tây (phía Việt Nam cho biết vẫn đang tiến hành dịch hàng nghìn trang tài liệu mà công tố Nhật chuyển sang để điều tra vụ đưa – nhận hối lộ của ông Sỹ trong dự án Đại lộ Đông – Tây) nhưng dư luận vẫn không khỏi ngầm so sánh với con số 820.000 USD do phía Nhật cáo giác.

Đây từng coi là vụ án trọng điểm mang tầm quốc gia và quốc tế.

Nhân thân tốt và 3 năm tù giam

Như các báo đồng loạt đưa tin, vì nhân thân tốt nên cuối cùng, ông Huỳnh Ngọc Sỹ bị tuyên án 3 năm tù. Dầu sao, đó cũng là ưu điểm của tòa án và tính nhân đạo trong xét xử của nước ta.

Tuy nhiên, phía bên kia bán cầu, nhân thân và thân nhân cao cấp không giúp gì cho Polanski. Ông đang tạm mất tự do dù hành vi phạm tội đã xảy ra 30 năm trước và đang ở một nước thứ 3. Toàn cầu hóa và hội nhập đã làm những kẻ có tội phải trồi lên mặt phẳng dù có trốn tránh ở đâu trên trái đất này.

Có những giá trị chung của nhân loại được cả thế giời công nhận như "pháp luật thượng tôn". Một người nổi tiếng tầm cỡ như Roman Polanski, chỉ vì tưởng mình có một nhân thân nổi tiếng toàn cầu, kể cả những "thân" nhân trong Chính phủ Pháp nên đã dại dột sang Thụy Sỹ. Hiện ông đang ở nơi tạm giam để xem "Dương cầm" bên hồ Lehman.

Nếu bị dẫn độ về Hoa Kỳ, ông sẽ bị luận tội về lạm dụng tình dục trẻ em, một tội sẽ bị phạt rất nặng. Phạm tội thế nào có khung hình phạt đó được áp vào. Giải Oscar hay hàng tỷ người hâm mộ màn ảnh lớn cũng không giúp gì cho việc giảm bớt số năm ngồi bóc lịch.

Phải chăng, đó cũng là bài học kinh nghiệm khi mang yếu tố "nhân thân", "nhân đạo" và kể cả "thân nhân" vào ngành tòa án của quốc gia nào muốn hội nhập với thế giới.

H. M.

Nguồn: http://tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu//8147/index.aspx

Dân tộc thích đùa

Hai Đậu

Vâng, đó là Dân tộc Việt Nam! Dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa vốn luôn chống chọi với thú dữ, thiên tai, kẻ thù xâm lược. Nên họ luôn phải tìm đến những chuyện đùa để thư giãn và quên đi những vất vả trong cuộc sống hàng ngày. Và tinh thần đó mãi lưu truyền đến ngày hôm nay. Tôi xin được kể ra vài ba câu chuyện đùa "cười ra nước mắt" để hầu quý độc giả.

Câu chuyện thứ nhất: Lãnh đạo phải có bằng Tiến sĩ hay phải đẽo chân cho vừa giày! Quả là nói như đùa! Vì cả ba ông: Tổng Bí thư Đảng, ông Chủ Tịch nước và ông Thủ tướng, không ông nào có bằng Tiến sĩ cả. Nói như ông Tiến sĩ Lê Anh Sắc thì khác nào "tát" vào mặt ba ông lớn trên đây. Ông Tiến sĩ Lê Anh Sắc quả là "lớn mật" khi nói câu này! Sự "bất cập" trong lời nói của ông Tiến sĩ Lê Anh Sắc đã được bà con bình luận nhiều rồi. Nay xin miễn bàn thêm.

Câu chuyện thứ hai: Vụ án trọng điểm. Vâng, vụ PCI là một vụ án "trọng điểm". Trọng điểm ở đây là số tiền rất trọng nhưng điểm thì rất nhỏ. Nên khi bắt đầu thì kêu rất to nhưng đến khi xử thì rất nhỏ! Đây không những là vụ tham nhũng gây bất bình trong người dân vì mượn tiền mà đi làm bậy. Nó còn có ý nghĩa thứ hai là làm nhục quốc thể Việt Nam. Một tội bị xử chém vào thời xưa. Do đó, ông Chủ tịch nước tuyên bố "Xử lý nghiêm khắc". Vậy mà khi xử án ông Sĩ, có nhiều kẻ lớn mật dám gởi "công văn" tới "tha thiết" đề nghị giảm án cho ông Sĩ! Cần gì điều tra, cứ "tóm" gọn những ai "tha thiết" xin giảm tội cho ông Sĩ là xong ổ tham nhũng ngay chứ gì! Còn ông Thủ tướng thì "Biết tới đâu làm tới đó"! Vâng, sau cả năm điều tra, công tố đã "biết" ông Sĩ chỉ "cầm nhầm" 52 triệu đồng qua vụ "thuê nhà" chứ không phải "tham ô, lại quả" như lời khai của các quan chức PCI. Xin chúc mừng ông Sĩ nhé. Phen này ông kiện ngược thì PCI và Chính phủ Nhật Bản phải đền bù danh dự cho ông cả triệu đô chứ ít gì.

Câu chuyện thứ ba: Nhân thân tốt. Là Đảng viên, ai không có "nhân thân tốt"? Không tốt về tư cách, cũng tốt về lòng thành. Không tốt về lòng thành cũng tốt về họ hàng dây mơ rễ má. Không tốt về tốt về họ hàng dây mơ rễ má cũng tốt về quan hệ với cấp trên cấp dưới. Không tốt về quan hệ với cấp trên cấp dưới cũng tốt về nói năng kín kẽ "có tính đảng"… Qua vụ ông Sĩ, luật pháp Việt Nam đã khẳng định không nên tham nhũng nếu "nhân thân" chưa tốt! Mà ai là nhân thân tốt? Thì là Đảng viên! Vâng, tham nhũng là quốc nạn. Nhưng Luật pháp khuyến khích Đảng viên tham nhũng. Khi bị phát hiện thì sẽ được cái áo giáp "nhân thân tốt" che chở!

Câu chuyện thứ tư
: Lương cán bộ thì không nhiều. Nhưng tài sản lại rất to! Vì sao? Vì tham nhũng ư? Xin thưa không phải. Mà vì do "làm kinh tế tốt"! Đảng khuyến khích Đảng viên làm kinh tế. Do đó, dù bận 8 tiếng cho công việc nhà nước, nhưng Đảng viên vẫn có thể làm giàu một cách độc đáo! Điều đáng buồn là Đảng viên chỉ lo làm giàu cho bản thân. Còn đất nước thì nghèo mạt rệp!

Câu chuyện thứ năm
: Gây bất lợi cho Quốc gia chỉ đáng giá 30 triệu đồng (còn chưa tới 2000 đô la)! Ông Đào Duy Quát là phó tướng của ông Tô Huy Rứa. Cặp bài trùng chuyên đi "rao giảng đạo đức yêu nước (Tàu?)"! Ấy vậy mà ông Quát lại chỉ bị phạt 30 triệu đồng khi trang mạng của Đảng CSVN in tin "nhầm" khẳng định Trường Sa và Hoàng Sa là của Tổ quốc Tàu! Thêm một tin nữa là Bộ 4T sẽ xử phạt 30 triệu đồng nếu in hình bản đồ Việt Nam mà thiếu Hoàng Sa và Trường Sa! Vâng, lãnh hải và đảo của Tổ quốc chỉ đáng giá 30 triệu đồng! Một cái giá quá bèo!

Câu chuyện thứ sáu: Là nhà khoa học mà tham gia viện nghiên cứu tư nhân thì mất quyền công dân. Trong thư của ông Hà Hùng Cường trả lời Tiến Sĩ Nguyễn Quang A có nói rằng:

"Điều 69 Hiến pháp quy định như sau: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin… theo quy định của pháp luật. Bộ Tư pháp cho rằng Quyết định 97 không trái với Hiến pháp bởi vì Quyết định này chỉ ràng buộc trách nhiệm của cá nhân thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, không ràng buộc trách nhiệm của cá nhân – công dân nghiên cứu khoa học và công nghệ trong việc công bố nghiên cứu của mình về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các nhà khoa học có quyền công bố công khai [*] kết quả nghiên cứu của mình với tư cách cá nhân theo đúng quy định của pháp luật."

Vậy khi ba nhà khoa học tham gia một viện nghiên cứu nào đó thì họ tự nhiên mất đi quyền công dân! Và như vậy họ không có quyền chung một tiếng nói! Cũng cần nói thêm rằng Quyết định 97 sẽ khiến cho các nhà khoa học trổ sức tài ba hơn. Vì các công trình khoa học cần nhiều nhà khoa học tham gia. Nay như vậy không hợp với Pháp luật. Do đó, một nhà khoa học phải làm công việc của nhiều người. Một bước tiến vĩ đại cho các nhà khoa học Việt Nam.

Câu chuyện thứ bảy: Sống và làm việc theo Pháp luật – trừ Thủ tướng. Việc ông Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao ủy quyền cho hai người dưới quyền khuyên ông Cù Huy Hà Vũ rút đơn kiện đã mặc nhiên thừa nhận Thủ tướng là người sống trên Pháp luật! Thủ tướng là một địa vị cao quý trong xã hội. Nhưng ông Thủ tướng cũng là một người trần mắt thịt với đủ cả tham, sân, si… Ấy vậy mà công dân không được phép kiện ông ta khi ông ta làm sai, tức Luật pháp đã trao cho ông Thủ tướng đặc quyền làm bậy! Vâng, chúng ta từ nay nên thay đổi khẩu hiệu cũ và thay vào bằng khẩu hiệu mới:
Sống và làm việc theo Hiến pháp – Pháp Luật – trừ Thủ Tướng!

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập.

Chú thích của Bauxite Việt Nam:
[*] Cuối bài Mở ra… để khép lại, Bauxite Việt Nam có một chú thích phê phán cách dùng tiếng Việt kỳ quái ở điều 2, Quyết định 97: Có công bố… bí mật không, mà viết "công bố công khai"? Thủ tướng nên có một trợ lý rành tiếng Việt, chứ nếu không, những văn bản trùng ngôn kiểu này khiến Thủ tướng khó ăn khó nói với chính công dân của mình. Nay qua trả lời của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, mới biết được cái người không rành tiếng Việt ấy, chính là đương kim Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường. Than ôi!

http://bauxitevietnam.info/c/11599.html

Trịnh Công Sơn, Vết Chân Dã Tràng

Trích chương IV:

Chương IV. TRỊNH CÔNG SƠN VÀ CHIẾN TRANH VIỆT NAM

Mở đầu tập Ca khúc da vàng viết năm 1967, Trịnh Công Sơn bày tỏ nỗi đau thống thiết: "Tất cả đã bể, đã vỡ toang. Tiếng thét đã chìm xuống biển thành tiếng nói trầm tư, thành lời kêu uất về thân thế Việt Nam. Tiếng nói vang lên từ những hố bom đào lên cùng khắp. Ơi những bạn bè thân yêu đã chết từ đỉnh cao hay vực thẳm. Con người đã hóa thân làm vết thương. Cái chết hóa thân làm biểu tượng vô nghĩa. Đã biến hình đổi dạng từ những cơn hiểm họa cay nghiệt nhất của nhân loại. Lìa cha mẹ, anh em, bằng hữu yêu dấu vô cùng. Hãy kết hỏa châu làm đèn đãi ngộ quỷ dữ. Đốt đuốc cho người điên ấm phố mùa đông. Cả một hành trình hùng vĩ của giống nòi từ miền Triết Giang đổ về bây giờ như thế đó. Hỡi người yêu da vàng của tôi hãy duỗi tay thật dài về phía hố thẳm vốc lấy những hạt đất mềm mỏng đó mà hôn. Tôi sẽ làm người tiều phu đi nhặt từng cánh tay, bàn chân, từng đốt xương, sọ người vung vãi khắp nơi về làm củi đốt sáng cho đêm tìm lại dấu vết của một hành tinh Việt Nam da vàng bặt tăm. Ám khí dày đặc, làm sao thấy rõ mặt nhau. Hãy thử bắt đầu bằng tiếng hát như ca dao của tổ tiên ta ngày xưa đó". ("Da vàng ca khúc" Trịnh Công Sơn) [53]

Trong ca khúc Gia tài của mẹ sáng tác năm 1965, Trịnh Công Sơn cho rằng đây là cuộc chiến tranh nội chiến.

Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho con
Gia tài của mẹ là nước Việt buồn.

(Gia tài của mẹ – 1965)

Chính quan điểm này đã làm cho chính quyền Miền Bắc e ngại ông. Bởi vậy, trong giai đoạn đầu của thời hậu chiến, có người quá khích ở chiến khu đã tuyên bố khi về Sài Gòn sẽ "xử tử" Trịnh Công Sơn (2). Cho đến ngày nay, quan điểm về tên gọi cuộc chiến vẫn là điều tranh cãi. Với tôi, tôi đồng cảm cùng suy nghĩ của Trịnh Công Sơn, bởi vì đứng trên góc nhìn dân tộc, cái chết nào cũng đau xót như nhau. Vì tất cả đều chung giòng máu Lạc Hồng(3). Đó chính là bi kịch của người dân Việt. Với trái tim nhạy cảm và nhân ái vô cùng, Trịnh Công Sơn đã nhận ra điều vô lý ấy. Trong bài nói chuyện Trịnh Công Sơn vì hòa bình và tình yêu do Hội Văn hóa Trịnh Công Sơn tổ chức tại Paris đêm 3-5-2003, giáo sư Cao Huy Thuần đặt câu hỏi: "Có cái gì nổi bật trong nhạc chống chiến tranh của Trịnh Công Sơn?" và khẳng định: "Chẳng có gì ngoài chữ tình". [8] Đúng, nhạc chiến tranh của ông bắt nguồn từ tình yêu thương, nó là những bài tự tình dân tộc, ông nói hộ cho dân tộc thân phận khổ ải của kiếp người trong chiến tranh, là tiếng kêu thương tuyệt vọng của người dân trong cảnh thịt xương tan nát.

Ôi da vàng Việt Nam vỡ nát
Xương thịt đó thiêng liêng vô cùng.
Khắp đất nước tràn đầy xác người:
Xác người nằm quanh đây, trong mưa lạnh này
Bên xác người già yếu, có xác còn thơ ngây
Xác nào là em tôi, dưới hố hầm này
Trong những vùng lửa cháy,
bên những vồng ngô khoai.

(Bài ca dành cho những xác người – 1968)

Là một trí thức, ông ý thức được thân phận nhược tiểu của đất nước mình trong bối cảnh tranh giành ảnh hưởng của các thế lực quốc tế. Cảm nhận được nỗi đau mất mát ấy, cho nên dù đang ở trong cái thế chống đối nhau, tự trong thâm tâm của người dân Việt, họ vẫn thấy yêu nhau, gần nhau:

Tôi muốn yêu anh, yêu Việt Nam
Ngày gió lớn, tôi đi môi gọi thầm,
Gọi tên anh, tên Việt Nam,
Gần nhau trong tiếng nói da vàng.

(Tình ca của người mất trí – 1967)

Cái bi thảm nhất là ở chỗ: cùng là người Việt Nam, nhưng người Việt lại bắn giết người Việt. Trong thực tế cuộc đời, có khi họ là anh em, cha con, là người yêu của nhau, nhưng vì khác chiến tuyến, nên nhìn nhau xa lạ. Khi người Việt đó: Bỏ xác trôi sông, chết ngoài ruộng đồng / Chết rừng mịt mùng, chết lạnh lùng / Mình cháy như than, chết cong queo / Chết vào lòng đèo, chết cạnh gầm cầu / Chết nghẹn ngào, mình không manh áo (Tình ca của người mất trí - 1967).

Trịnh Công Sơn cho rằng, đây là cái chết do một trận địa chấn, một cơn hồng thủy. Một cái chết không nằm trong dự tính của họ. Họ bị những cơn hiểm hoạ cay nghiệt nhất của nhân loại, vô hình xô đẩy nhau vào mâu thuẫn, hận thù. Nhưng trong sâu xa nơi tâm hồn, họ không thấy sự mâu thuẫn, hận thù mà chỉ thấy một màu da thơm mùa lúa chín, thấy yêu nhau, thấy gần nhau trong tiếng nói Việt Nam [23].

Huế Sài Gòn Hà Nội
Hai mươi năm tiếng khóc lầm than
Huế Sài Gòn Hà Nội trong ta đau trái tim
Việt Nam.

(Huế – Sài Gòn – Hà Nội – 1969)

Như vậy thì quả dân tộc ta đang gặp một cơn đại nạn. Và triệu người đã chết bất đắc kỳ tử, chỉ là nạn nhân của một cuộc chiến tranh phát xuất từ đâu tới, chớ không phải từ trong lòng anh em Việt Nam, mà ngày nay có những quan điểm cho rằng đó là cuộc chiến tranh "uỷ nhiệm" của các nước lớn.

Hai mươi năm là xác người Việt nằm
Làm sao ta giết hết những đứa con Việt Nam?
Xưa ta không thù hận
Vì đâu tay ta vấy máu?

(Tuổi trẻ Việt Nam – 1969)

Nói như Bửu Ý "… Chiến tranh diễn ra không phải ở chiến trường, không phải do người cầm súng, nó diễn ra ở bàn tròn, ở trong lòng người, ở trong đầu óc những con người mua bán chiến tranh… Giữa một nền trời như vậy, thân phận con người là một vấn nạn, ta nên nói ngay: đây là một chủ đề tư tưởng, nếu không muốn nói là triết lý…".[6] Theo Lê Trương, những bài ca nổi tiếng trong giai đoạn này như Tình ca của người mất trí, Ca dao mẹ, Gia tài của mẹ, Đi tìm quê hương là những bài hát có ca từ rất buồn thảm, giai điệu blues dìu dặt, thở than, kể lể như tiếng khóc của một người đàn bà trong góc phòng tối, rồi bỗng nhiên nức nở, gào thét thảm thiết. Ông nói hộ những gì trong tâm hồn họ bị nổ ra vì quá đau khổ, u uất, vì không thể đè nén lại được nữa. Những ước mơ từ lâu họ không được quyền nói tới, phải được chôn sâu vào trong lòng, nay bỗng bùng lên trong tiếng hát của người mất trí. [23]

Không chỉ riêng Trịnh Công Sơn, hầu như người dân miền Nam nào cũng sống trong bi kịch ấy. Để minh chứng cho một thời đại đầy biến động này, chúng ta hãy đọc bài thơ của Nguyễn Bắc Sơn khi viết về bộ đội miền Bắc với một giọng thơ ngất ngưởng:

Kẻ thù ta ơi, những đứa xăm mình
Ăn muối đá và điên say chiến đấu
Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu
Đi hành quân, rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem chiến cuộc như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi, vì ngươi bạc phước
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
Lũ chúng ta sống một đời vô vị
Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau"…

(Chiến tranh Việt Nam và tôi – Nguyễn Bắc Sơn) [62]

"Những đứa xăm mình", những con người ấy cũng một dòng máu như ta thôi. Trong lúc người lính Cộng hòa đã nhận ra cuộc chiến này "cũng chỉ một trò chơi" thì… phần đông "Kẻ thù ta ơi" đều "điên say chiến đấu", đều tin chắc vào chính nghĩa của cuộc chiến, đều hô hào cổ võ một cách trịnh trọng. "Kẻ thù ta ơi" là một thế hệ tươi sáng, họ là những học sinh, sinh viên đầy nhiệt huyết, được đào tạo từ nhỏ về lòng yêu nước, yêu nước ở đây đồng nghĩa với ý thức về nhiệm vụ và sứ mệnh. Yêu nước ở đây đã gắn liền với một thể chế. "Nhiệm vụ của ta là phải đấu tranh cho lẽ phải. Mà đã đấu tranh thì phải bỏ sức lực, phải suy nghĩ và phải hy sinh những quyền lợi cá nhân, có khi là cả cuộc đời mình, cho lẽ phải chiến thắng" (Nhật ký Đặng Thùy Trâm). [11]

Trong khi đó, ở chiến tuyến khác, trong bài Nghinh địch hành Hà Thúc Sinh viết:

Giao thừa đâu mà vội
Hãy khoan đã chú mày
Cứ đóng xa vài dặm
mà ăn uống cho say
Ta cũng người như chú
cũng nhỏ bé trong đời
có núi sông trong bụng
mà bất lực hôm nay

Vì nói thật cùng chú
Trăm năm có là bao
Binh đao sao biết được
Sinh tử ở nơi nào.

Một người lính Cộng hòa nói với một bộ đội miền Bắc như nói với anh em, và quả thật họ là anh em cùng giống "da vàng mũi tẹt" mà ra. Ta đối với chú mà nói được lời như thế vì lòng ta đã tới độ nguội lạnh, không còn gì khuấy động nổi một cơn điên say nữa. Đao to búa lớn: vô ích. Danh từ cao đẹp: vô ích. Lý tưởng thiêng liêng: vô ích. [62]

Cũng như bao người trí thức miền Nam khác, Trịnh Công Sơn đau đớn nhận ra điều ấy, những thảm cảnh mất mát mà ông thấy trong trái tim của ông.

Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy
Những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em.

(Hát trên những xác người – 1968)

Trịnh Công Sơn viết: "Ðã có điều gì không thật suốt hai mươi năm nay. Một lầm lỡ đã lên đường và phải đi cho trót con đường máu xương. Như một mũi tên vô tri bỗng lỗi thời trong một nhiệm kỳ vô định. Chúng ta, dù muốn dù không, bị biến thành những mũi tên định hướng được bắn đi từ những đồ hình huy hoàng tưởng tượng và ngắn hạn. Dân ta tàn phế hai mươi năm. Nước mắt và máu đã làm thành những con suối lớn chảy mòn tiềm lực sáng tạo. Ðến lúc chúng ta phải dừng tay và nhìn lại.

…Xin hãy dừng tay và cùng chờ nhìn một mặt trời tươi trẻ sẽ được khai sinh ở phương Ðông. Xin hãy dừng tay để mọi căn nhà Việt Nam có thể mở rộng cửa chờ đón một sớm mai hòa bình. Còn rất nhiều con đường mở ra cho tương lai chúng ta. Những con đường đưa ta về dựng lại một tổ quốc đích thực.

… Tiếng hát đã có thể cất lên để nuôi lớn ước mơ. Ta đã có sẵn một hành trang quý giá của hơn bốn nghìn năm để còn mãi bước đi trên những lộ trình mới về tương lai. Ta phải đi tới bằng con tim sứ giả mang niềm tin và lời hứa hẹn của những người đã nằm xuống. Ta phải tìm lại quê hương bằng sức sống mãnh liệt vì trong cơ thể ta đã luân lưu thêm dòng máu của anh em không còn. Quanh đây, những trường học, những bệnh viện, những đình làng, những phiên chợ, những cánh đồng sẽ được bắt đầu lại với những ngày nhân đạo, với một dân tộc nhân bản. Xin đừng bao giờ làm kẻ phản bội với một quá khứ hiển linh" (Kinh Việt Nam–1968).(4)

Bửu Chỉ nhận định: "Tắt một câu, trong dòng nhạc phản chiến của mình, Trịnh Công Sơn đã chẳng có một toan tính chính trị nào cả. Mà tất cả làm theo mệnh lệnh của con tim mình (…). Trái tim nhân ái, nhạy cảm, chỉ biết nói lên những cảm xúc nồng nhiệt của mình đối với quê hương, dân tộc, dù thiếu vắng một thái độ chính trị, nhưng trung thực. Nghĩa là tự đáy lòng mình thì mình nói".[5]

Nhận định của Bửu Chỉ thật sâu sắc, tuy nhiên theo tôi, Trịnh Công Sơn không phải không có thái độ chính trị. Thái độ chọn lựa của ông đã thật rõ ràng. Ông thật sự không tham gia bên nào, vì đứng bên nào, ông cũng thấy trái tim mình nhói đau. Như một trò chơi, bạn bè thân của ông chia đều ở hai phía:

Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè
Ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương

(Xin mặt trời ngủ yên – 1964)

Người miền Nam thấy mình trong ca khúc Cho một người nằm xuống, Trịnh Công Sơn thương tiếc Lưu Kim Cương, một Đại tá Không quân Việt Nam Cộng hòa tử nạn, là một người bạn hào hiệp của ông:

Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên
Tiễn đưa nhau trong một ngày buồn
Đất ôm anh đưa về cội nguồn…
Những xót xa đành nói cùng hư không.

(Cho một người nằm xuống – 1968)

Người miền Bắc lại bắt gặp mình khi ông chia sẻ nỗi đau:

Tôi mất trong chiến tranh này
Bao nhiêu bao nhiêu nụ cười
Em từ Hà Nội có bao giờ được yên vui…

(Tôi đã mất – 1970)

Trịnh Công Sơn đau đớn khi nhìn nước Việt ly tan:

Mẹ Việt Nam ngồi
Ngày đêm tiếng cười
Rộn ràng khắp nơi
Một nước linh thiêng
Một màu da vàng
Người dân no lành
Hội hè suốt năm
…Nhưng hôm nay
Quê hương là miền Nam
Quê hương là trái sáng
Quê hương chở đầy hòm.
…Nhưng hôm nay
Quê hương là Hà Nội
Quê hương là cuộc đời
Những đứa trẻ mồ côi.

(Nhưng hôm nay – 1967)

Mùa hè đỏ lửa 1972, Trịnh Công Sơn viết: "Những thành phố và những xác chết của tháng 5/1972, một lần nữa, tôi không thể nào quên đi tiếng kêu thất thanh của đám người cùng khổ. Cuộc chiến đã không muốn ngừng, và có lẽ còn mang nhiều bộ mặt mới mẻ, thảm khốc hơn. Phải chăng những hồi chuông báo tử chưa đủ làm mềm lòng cuộc sinh sát".(5)

Với Trịnh Công Sơn, trên xác chết anh em sự vinh quang phải giấu mặt. Không ai ca khúc khải hoàn trên thịt xương của cùng người Việt Nam.

Rồi trưa ngày 30 tháng Tư năm 1975, chiến tranh chấm dứt, người ta nghe tiếng ông hát Nối vòng tay lớn trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Nhiều người miền Nam sửng sốt và thấy bị tổn thương như bị phản bội khi mà trái tim họ vốn đã tan nát khi Sài Gòn vừa thất thủ.

Giải thích hành động này ra sao?

Văn Cao mấy chục năm trời im hơi lặng tiếng, bỗng vỡ òa niềm vui với ca khúc Mùa xuân đầu tiên ở cùng thời điểm này, với những ca từ đầy chất nhân văn:

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên…

Mùa xuân thanh bình đầu tiên của đất nước, không phải là mùa xuân hoan ca chiến thắng. Với Văn Cao, đó là mùa xuân bừng tỉnh nhận ra tính nhân bản của người Việt bị đánh mất trong chiến tranh giờ đây cần phải được đánh thức trong mỗi con người:

Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người.

(Mùa xuân đầu tiên – Văn Cao)

Phải chăng những nghệ sĩ lớn đều như vậy, như đứa trẻ chỉ biết ca lên niềm hân hoan của dân tộc trong ngày vui chung của đất nước, sau bao năm ngăn cách. Vẫn là niềm vui vượt trên mọi quan điểm chính trị.

Ở Việt Nam, cái logic tư duy của người Việt thường thấy là: không bên này là bên kia. Điều này cũng dễ hiểu vì thực tiễn lịch sử Việt Nam trong suốt nhiều thập kỷ đã đặt con người vào cách tư duy trên. Thái độ không thật sự bên nào của Trịnh Công Sơn đã khiến ông rơi vào cái nhìn nghi ngờ từ cả hai phía.

Bên Cộng Hòa có người đã cho ông là "hèn nhát": "Trịnh Công Sơn, ông chỉ là một cây sậy, hơn thế nữa, là một cây sậy yếu hèn (cho dù có là "cây sậy biết suy nghĩ" tới đâu). Trong lớp vỏ của một cây sậy, của một thể chất yếu đuối, là một bản chất yếu đuối…Là cây sậy, ông khó mà đứng thẳng trước những trận gió ào ạt, những trận cuồng phong. Ông phải cúi rạp xuống. Là cây sậy, ông cũng tham sống sợ chết, cũng thích ăn ngon mặc đẹp, cũng run sợ trước bạo lực, cũng lo âu trước những nỗi bất an, những mối đe dọa rình rập…". [22]

Người ta nói "ông phải cúi rạp xuống… cũng run sợ trước bạo lực…". Thế nhưng, khi nghiên cứu cuộc đời và nội dung các sáng tác của ông (các bài viết và gần 300 ca khúc), tôi không hề bắt gặp điều đó. Thậm chí, Trịnh Công Sơn rất ý thức khi không sáng tác một ca khúc nào có ca từ ca ngợi lãnh đạo, lãnh tụ hay ca ngợi thể chế mình đang sống, dù trong thời chiến tranh hay thời hậu chiến. Đó là lòng tự trọng của người trí thức mà không phải ai cũng có được.

Bên cộng sản, những người quá khích thì "gạt ông qua bên lề" vì thiếu vắng lập trường chính trị. Trịnh Công Sơn chênh vênh giữa hai "lằn đạn"… Mặc kệ những phán xét, ông sống theo suy nghĩ của riêng mình. Tôi nghĩ rằng, thái độ kiên định lập trường sống và hoạt động nghệ thuật của riêng mình chính là bản lĩnh hiếm có của một nghệ sĩ lớn. Là một nghệ sĩ, ông dùng lời ca để hát lên thân phận con người trong chiến tranh, kêu gọi hòa bình và tình yêu thương. Hành động dấn thân với tư cách là người nghệ sĩ đấu tranh cho hòa bình, theo tôi là một chọn lựa dũng cảm, đầy tính nhân văn của một trí thức. Và hành động ở lại Việt Nam sau ngày 30 tháng Tư, thở cùng nhịp thở với đất nước, đau cùng nỗi đau của dân tộc là logic của một nhân cách lớn. Chính điều ấy đã làm ông trở thành một công dân "ngoại hạng".

Và một nghịch lý đã xảy ra: Người dân bên nào cũng đều thích hát nhạc của ông, nhưng trớ trêu thay, chính quyền bên nào cũng đều cấm đoán.

Tại sao chính quyền phải run sợ trước những lời ca phản chiến?

Vì quả thật, những gì Trịnh Công Sơn nói lên qua ca khúc của ông đều là nỗi lòng và mơ ước chung của mọi người dân nước Việt. Đó chính là tiếng nói của lương tâm con người. Năm trăm năm trước, Nguyễn Trãi cũng đã từng nói lên nỗi phẫn nộ và đau xót trước cảnh tàn hại do giặc Minh xâm lược gây ra: "…Dân chúng lưu ly, những nỗi lìa tan không kể xiết, binh sĩ đánh chác, luôn năm chết chóc đáng thương thay!". (Biểu Cầu phong – bài 21). [33] Và trong Bình Ngô đại cáo, ông cũng nói lên thân phận con người bị giày xéo trong chiến tranh:

Nướng con đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ…
Người bị ép xuống biển, dòng lưng mò ngọc,
ngán thay cá mập thuồng luồng
Kẻ bị đem vào núi, đãi cát tìm vàng,
khốn nỗi rừng sâu nước độc…
Nặng nề những nỗi phu phen,
Tan tác cả nghề canh cửi. [17]

Lịch sử Việt Nam như chúng ta biết, là một đất nước luôn luôn bị chiến tranh giày xéo, nội chiến phân ly. Vì vậy, những người dân trong đất nước này từ bao đời phải luôn sống trong cảnh ly tan. Hết giặc nọ đến giặc kia trùng trùng bủa vây. Đại thi hào Nguyễn Du cuối thế kỷ thứ 18 đầu thế kỷ 19, cũng nói lên nỗi thống khổ của người dân trong cảnh loạn lạc: Lần phố xin miếng ăn / Cách ấy đâu được mãi / Chết lăn rãnh đến nơi / Thịt da béo cầy sói (Sở kiến hành). [17]

Trịnh Công Sơn, giữa thế kỷ 20 cũng nói lên bao cảnh thương tâm diễn ra hằng ngày trên một đất nước tang tóc chiến tranh.

Từng chuyến bay đêm, con thơ giật mình,
Hầm trú tan hoang, ôi da thịt vàng…
Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng.
Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn.

(Đại bác ru đêm – 1967)

Trần Hữu Thục đã rất tinh tế khi nhận ra: "Trong nỗi bi phẫn vì chiến tranh, Trịnh Công Sơn lên tiếng kêu gọi tranh đấu, đồng thời nói lên những khát khao hòa bình với những ca từ hùng hồn, mang tính đấu tranh thúc giục và đầy niềm tin về tương lai: Việt Nam ơi / Còn bao lâu những con người ngồi nhớ thương nhau / Triệu chân em / Triệu chân anh / Hỡi ba miền vùng lên cách mạng (Huế – Sài Gòn – Hà Nội -1969). Hầu hết những ca từ mạnh mẽ hô hào đó, không phải là những hô hào chém giết, mà là hô hào chiến đấu cho hòa bình". [50]

Trịnh Công Sơn vẽ ra hình ảnh một đất nước sau chiến tranh rất huy hoàng:

Ta cùng lên đường
Đi xây lại Việt Nam
Bàn chân ta đi mau đi sâu vô tới rừng cao
Vác những cây rừng to
Về nơi đây ta xây dựng nhà
Dựng làng mới cho dân ta về
Dựng nhà mới cho miền quê.

(Dựng lại người dựng lại nhà – 1968)

Cũng theo Trần Hữu Thục, ẩn đằng sau những ca từ cho một viễn cảnh thanh bình đó, vẫn là những dòng nước mắt, là nỗi ưu tư nhân thế, là tâm trạng đớn đau cùng cực của thân phận nhỏ bé của kiếp người. "Vẫn là hạt bụi, vẫn là nỗi khắc khoải siêu hình trước cuộc nhân sinh. Chiến tranh, quê hương thân phận con người cuộn xoáy vào với nhau tạo thành một bi kịch. Rốt cuộc, thực chất cuộc đời ông là một kẻ suy ngẫm về kiếp người, một tên hát rong suốt đời lang thang, buồn bã. Chiến tranh cũng là bi kịch nhân sinh, như mọi bi kịch khác. Bởi vậy, có những lúc ông hô hào, reo ca đấu tranh cho hòa bình, thân phận ông cũng thế. Vẫn là một thân tượng buồn!" [50]

Vẫn là:

Trên đời người trổ nhánh hoang vu
Trên ngày đi mọc cành lá mù
Những tim đời đập lời hoang phế.
… Dưới chân ngày cỏ xót xa đưa.

(Cỏ xót xa đưa – 1969)

Có lẽ từ lần đầu tiên đặt bút viết, Trịnh Công Sơn đã nghiệm ra được chân lý riêng của mình: "Cái khả năng to lớn sau cùng của ca khúc là mang đến cảm thông giữa mọi người bằng tiếng hát. Đó là sứ mệnh truyền đạt những âu lo, chờ đợi của con người khi đối diện với chính mình trước cuộc sống, cũng như thông điệp tình yêu và nhân ái đến với những tâm hồn yêu chuộng hòa bình và những con tim đang bị ngộ độc bởi ngòi thuốc nổ". Cuối cùng gì, thân phận ông cũng như một ngọn cỏ bên đường. Và chính ngọn cỏ bé nhỏ đó đã tạo thành một Trịnh Công Sơn khác, mang ông đi vào vĩnh cửu.

Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, thân phận da vàng của một nước nhược tiểu được Trịnh Công Sơn đẩy đến tận cùng:

Người nô lệ da vàng ngủ quên
Ngủ quên trong căn nhà nhỏ
Đèn thắp thì mờ…

(Đi tìm quê hương – 1967)

Với cái nhìn tỉnh táo, Trịnh Công Sơn đã nhận ra thân phận "nô lệ da vàng" của người Việt trong chiến tranh. Ông luôn nhắc nhở chúng ta về một dòng giống Lạc Hồng trong bối cảnh tranh giành quyền lợi của các nước lớn. Bởi vì, người Việt sống nhưng không có chủ quyền trong tay, sinh mạng bị phụ thuộc vào ngoại bang, giá trị làm người bị phủ nhận, thì khác gì một nô lệ. Trịnh Công Sơn hỏi: Vậy thì tại sao lại có cảnh nội chiến? Đây là lời tố cáo:

Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu
Một trăm năm nô lệ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ, một bọn lai căng,
Gia tài của mẹ, một lũ bội tình…

(Gia tài của mẹ – 1965)

Sự xuất hiện của hai chữ lai căng trong ca từ mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Lai căng tức là từ bỏ con người văn hóa dân tộc của mình để biến thành một người khác. Lai căng là phụ thuộc ngoại bang từ bên này hay bên kia, bằng cách này hay cách khác. Bọn lai căng đó trở thành một lũ bội tình dân tộc, vì luôn luôn đứng sát với ngoại bang để bóc lột, mưu cầu quyền lợi, hãm hại đồng bào mình.[23] Lời mẹ dặn con chớ quên màu da vàng, dặn con giữ gìn màu da vàng chính là một cách phản kháng tâm thức nô lệ, một hình thức chống lại những khuynh hướng lai căng đang đe dọa:

Dạy cho con tiếng nói thật thà
Mẹ mong con chớ quên màu da
Con chớ quên màu da nước Việt xưa
Mẹ trông con mau bước về nhà
Mẹ mong con lũ con đường xa
Ôi lũ con cùng cha quên hận thù.

(Gia tài của mẹ – 1965)

Dân tộc của ông là trăm trứng nở ra trăm con trong huyền thoại lịch sử, cùng giống Con Rồng Cháu Tiên. Dân tộc của ông là thế: là tất cả mọi người, không phân biệt Nam-Bắc, không phân biệt giai cấp. Vì sao? Vì có người mẹ nào phân biệt con? Dân tộc, bởi vậy, mang hình ảnh bà Mẹ. Bà Mẹ đó luôn ăn năn – ăn năn cả đến việc đã sinh ra con, bởi vì sinh ra con để làm gì khi chúng sống một kiếp người đọa đày, thù hận? [23]

Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn
giọt lệ ăn năn
Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi nhục chung thân.

Chiến tranh là tủi nhục của bà Mẹ, vì xương thịt nào cũng từ Mẹ mà ra, xương thịt nào cũng là Việt Nam. Cùng là đứa con của Mẹ mà thôi. [23]

* * *

Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn là thế. Có người tán thành, có người còn nghi ngại. Âu cũng là lẽ thường tình vì cách nghĩ của con người có bao giờ là như nhau. Nó luôn vận động và nhận chân lại những giá trị, lý giải lại những gì đã qua. Cuộc đời này mãi mãi là như vậy. Nhưng cho dù là gì đi nữa, theo tôi, chắc không ai không thừa nhận Ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn bắt nguồn từ lòng yêu thương con người. Mà cái gốc tình yêu thương của ông chịu ảnh hưởng sâu đậm triết lý "Tứ hải giai huynh đệ", là nhân loại một nhà, vượt qua những hệ tư tưởng nhỏ bé, những hệ lụy đời thường. Ông đã đứng lên trên tất cả mọi thiên kiến chính trị để nói lên nỗi đau của người dân da vàng, của người dân nước Việt. Và phải chăng, vì viết theo "mệnh lệnh của con tim", chứ không theo một thứ mệnh lệnh nào khác, mà người đời đã vinh danh ông là Kẻ du ca bất khuất của Việt Nam.

Ông ca tụng tình yêu thương, ông chống bạo lực và chống chiến tranh. Kêu gọi đoàn kết, xoá bỏ hận thù. Phải chăng đó là những chủ đề không chỉ có tính thời sự cấp thiết mà còn luôn luôn là vấn đề lớn của nhân loại của muôn đời.

Cho đến ngày nay, sau hơn 30 năm kết thúc chiến tranh, nhìn lại những chặng đường thăng trầm của đất nước, có lẽ đã đến lúc chúng ta dũng cảm nhìn nhận lại cuộc chiến đã qua và thân phận các ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Và chúng ta hãy tự hỏi: thân phận da vàng người Việt ngày nay đã thực sự thoát đời nô lệ ngoại bang chưa?

Hay vẫn còn đó nỗi niềm:

Ôi gian nan đời nước nhỏ
Sao đau thương nhiều lắm thế

(Quê hương đau nặng – 1971)

Chiến tranh hạt nhân, chiến tranh tôn giáo, chiến tranh giữa những hệ tư tưởng… nội chiến… ngay lúc này, chúng ta có thể nghe thấy tiếng bom nổ trong thành phố Baghdad, xung đột ở Palestine, khủng bố ở Thái Lan… cuộc chiến vẫn luôn chực chờ ở đâu đó và những ca từ kêu gọi hòa bình, yêu thương con người của Trịnh Công Sơn vẫn luôn mãi còn giá trị.

Tài liệu tham khảo:

[1] Anh Ngọc (2004), Nhớ thế kỷ hai mươi, NXB QĐND

[2] Báo Người Việt-Hoa Kỳ, trong bài Tiểu sử Trịnh Công Sơn viết: "Trước dây tại Sài Gòn, có người từng tuyên bố khi nắm được chính quyền sẽ xử tử Trịnh Công Sơn về tội đã gọi chiến tranh Việt Nam là "nội chiến" (trong câu hát"hai mươi năm nội chiến từng ngày", thay vì phải gọi là"Chiến tranh chống Mỹ cứu nước".Vì vậy, sau 30/4 Trịnh Công Sơn phải về Huế ngay khi "những người chiến khu" vào Sài Gòn…năm 1979, nguyên cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đứng ra che chở ông, đánh tiếng gọi ông về lại Sài Gòn."

[3] Bùi Bảo Trúc (2004), Về Trịnh Công Sơn, in trong tập Một cõi Trịnh Công Sơn, NXB Thuận Hoá, tr 351-375

[4] Bùi Vĩnh Phúc (2005), Trịnh Công Sơn / Ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật, NXB Văn Mới, California, Hoa Kỳ, và một phần của chuyên luận trên http://www.tcs-home.org

[5] Bửu Chỉ (2001), Về những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn, báo Diễn Đàn Forum, tr29, tháng 9/2001, Paris.

[6] Bửu Ý (2003), Kẻ du ca về tình yêu, quê hương và thân phận, in trong tập Trịnh Công Sơn, rơi lệ ru người, NXB Phụ Nữ.

[7] Bửu Ý (2004), Một nhạc sĩ thiên tài, NXB Trẻ.

[8] Cao Huy Thuần (2003), Nhạc chống chiến tranh của Trịnh Công Sơn, http://www.tcs-home.org

[9] Đặng Tiến (2001), Đời và nhạc Trịnh Công Sơn, http://www.tcs-home.org

[10] Đặng Tiến (2001), Trịnh Công Sơn, tiếng hát hòa bình, Tạp chí Văn Học số 10&11/2001 California, Hoa Kỳ, tr.180

[11] Đặng Thùy Trâm (2005), Nhật ký, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, tr 50-51

[12] Đinh Gia Khánh (chủ biên) (2001), Văn học Việt Nam (Thế kỷ X- nửa đầu thế kỷ XVIII) NXB GD Hà Nội.

[13] Đinh Trọng Lạc (2003), 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, NXB GD.

[14] Đoàn Thị Thu Vân (1996), Khảo sát đặc trưng nghệ thuật của thơ Thiền Việt Nam thế kỷ X-thế kỷ XIV, NXB Văn học.

[15] Dương Viết Á (2000), Ca từ trong âm nhạc Việt Nam, Viện Âm nhạc Hà Nội.

[16] Eric Henry (2005), Phạm Duy và lịch sử Việt Nam hiện đại, in trên Talawas, tháng 11/2005

[17] Giảng văn Văn học Việt nam (2002), NXBGD.

[18] Hoài Thanh – Hoài Chân (1993), Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học Hà Nội.

[19] Hoàng Phủ Ngọc Tường (2005), Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé, NXB Trẻ.

[20] Lê Tiến Dũng (2003), Một đời người, một đời thơ, in trong tập "Thơ Xuân Diệu và những lời bình", NXB VHTT.

[21] Lê Bá Hán (chủ biên), Lê Quang Hưng, Chu Văn Sơn (2003), Tinh hoa Thơ Mới thẩm bình và suy ngẫm, NXB GD.

[22] Lê Hữu, Ảo giác Trịnh Công Sơn, nguồn http://www.tcs-home.org

[23] Lê Trương, Phong trào da vàng ca, http://www.suutap.com

[24] Lý Hoài Thu (1997), Xuân Diệu trước Cách mạng tháng tám -1945, NXBGD.

[25] Mã Giang Lân (Tuyển chọn và biên soạn) (2003), Thơ Xuân Diệu và những lời bình, NXBVHTT.

[26] M.T. Stepaniants (2003), Triết học phương Đông. NXBKHXH.

[27] Một tài liệu khác trong băng Thúy Nga, Khánh Ly nói rằng năm 1962 Trịnh Công Sơn gặp Khánh Ly ở Đà Lạt rủ về Sài Gòn đi hát nhưng Khánh Ly không về. Mãi đến 1965 Khánh Ly mới về Sài Gòn và cùng Trịnh Công Sơn đi hát.

[28] Nguyễn Đắc Xuân (2003), Có một thời như thế, NXB Văn học.

[29] Nguyễn Duy (2004), "Ngày sau sỏi đá", in trong Một cõi TCS, NXB Thuận Hóa, tr. 44.

[30] Nguyễn Hưng Quốc, Các lý thuyết phê bình văn học. Nguồn http://www.tienve.org

[31] Nguyễn Quang Sáng (2004), Paris, tiếng hát Trịnh Công Sơn, in trong "Một cõi TCS", NXB Thuận Hóa, tr. 270 – 283

[32] Nguyễn Văn Dân (2003), Lý luận văn học so sánh, NXBKHQG Hà Nội.

[33] Nguyễn Trãi toàn tập (1976), NXBKHXH.

[34] Nguyễn Đăng Thục (1997), Thiền học Việt Nam, NXB Thuận Hoá.

[35] Nhạc Trịnh Công Sơn trên xứ Phù Tang. Nguồn http://www.tcs-home.org

[36] Nhiều tác giả (2004), Một cõi Trịnh Công Sơn, NXB Thuận Hóa, Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây.

[37] Nhiều tác giả (2003), Trịnh Công Sơn người hát rong qua nhiều thế hệ, NXB Trẻ.

[38] Nhớ người trong cõi (2004), trích các bài viết về Trịnh Công Sơn in trong "Một cõi TCS", NXB Thuận Hóa, tr. 455.

[39] Phạm Bân. Tiếng Việt trong dòng Nhạc Trịnh Công Sơn, nguồn: http://suutap.com

[40] Phạm Văn Kỳ Thanh (2005), Phỏng vấn Bùi Vĩnh Phúc, TCS ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật, nguồn: in trên Talawas tháng 12/2005

[41] Phạm Văn Đỉnh, Danh muc ca từ Trịnh Công Sơn, http://www.tcs-home.org

[42] Phan Bích Hợp (2005), Bi kịch nhị nguyên và số phận con người, TC Tia Sáng điện tử 01/12/2005

[43] S.Freud, E.Fromm, A. Schopenhauer, V.Soloviev, Đỗ Lai Thúy (biên soạn) (2003), Phân tâm học và tình yêu, NXB VHTT, Hà Nội.

[44] Sâm Thương, "Thời thanh xuân Trịnh Công Sơn", http://www.tcs-home.org.

[45] Tạ Tỵ, Trịnh Công Sơn, nguồn http://www.suutap.com

[46] Tạp chí Văn học (2001), Chuyên đề đặc biệt về Trịnh Công Sơn, tháng 10&11/2001 Garden Grove, California, Hoa Kỳ.

[47] Tạp chí Văn (2004), California, Hoa Kỳ, số 92, tháng 8/2004.

[48] Tạp chí Hợp Lưu (2001), California, Hoa Kỳ, số 59, tháng 6&7/2001.

[49] Thụy Khuê, Triết học hiện sinh. Nguồn trang web Thuy Khue.

[50] Trần Hữu Thục (2001), Một cái nhìn về ca từ Trịnh Công Sơn, in trong Tạp chí Văn Học tháng 10&11/2001 California, Hoa Kỳ.

[51] Trần Quốc Vượng (chủ biên) (2003), Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXBGD Huế.

[52] Trịnh Công Sơn. Đành vậy với tình yêu, đăng trên báo Đại Đoàn Kết. Nguồn http://www.suutap.com

[53] Trịnh Công Sơn, Da vàng ca khúc, nguồn http://www.suutap.com

[54] Trịnh Công Sơn (1995), Tuyển tập những bài ca không năm tháng, NXB Âm nhạc.

[55] Trịnh Công Sơn rơi lệ ru người (2003), nxb Phụ nữ

[56] Trọng Thịnh (2005), Phạm Thiên Thư và "Ngày xưa Hoàng thị", theo Báo điện tử Tiền phong 27/11/2005

[57] Trương Đăng Dung (2004), Tác phẩm văn học như là quá trình, NXBKHXN Hà Nội.

[58] Văn Cao (2004), Trịnh Công Sơn người thơ ca, in trong tập "Một cõi TCS", NXB Thuận Hóa, tr. 17.

[59] Văn Tân (1994), Từ điển Tiếng Việt, NXBKHGD.

[60] Văn xuôi Trịnh Công Sơn (2004), Bài hát đầu tiên bài hát cuối cùng, in trong "Một cõi TCS", NXB Thuận Hóa, tr. 469.

[61] Văn xuôi Trịnh Công Sơn (2004), Kiếp sau tôi vẫn là người nghệ sĩ (trả lời phỏng vấn VCH), in trong "Một cõi TCS", NXB Thuận Hóa.TTVHNNĐT.

[62] Võ Phiến. Tổng quan Văn học Miền Nam, nguồn http://www.tienve.org

[63] Võ Xuân Hân. "Đóa hoa vô thường" http://tcs-home.org

[64] Yoshii Michiko (1991), Luận văn cao học về nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn.

[65] Schafer, John C., (2007) :D eath, Buddhism, and existentialism in the Songs of Trịnh Công Sơn, Journal of Vietnamese Studies, 2.1, pp. 144-186


(3) Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng có cái nhìn tương tự. Tham khảo: Trịnh Công Sơn cây đàn lya của Hoàng tử bé, Nxb Trẻ, 2005, tr. 62-70.

(4) Trịnh Công Sơn, Kinh Việt Nam. (suutap.com)

(5) Phụ khúc da vàng (suutap.com).


Nguồn: http://damau.org/archives/5470

Định hướng XHCN là gì?

Lê Kiên

(PL)- Mô hình kinh tế thị trường hiện đại dựa trên nền tảng khoa học công nghệ tiên tiến, kết hợp hài hòa giữa bốn yếu tố: thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự – hội nhập quốc tế sâu rộng.

Nhằm góp thêm ý kiến cho việc sửa đổi, bổ sung Cương lĩnh 1991, hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: Cơ sở lý luận và thực tiễn" đã được tổ chức bởi Hội đồng lý luận trung ương và Trường đại học Kinh tế quốc dân vào ngày 22-9. Cuộc hội thảo được dày công chuẩn bị trong nhiều tháng qua đã thu hút tới gần 80 tham luận của các chính khách, học giả hàng đầu.

Mắt xích chủ yếu: Nhà nước pháp quyền + chế độ dân chủ

Đồng trưởng ban tổ chức hội thảo – GS-TS Nguyễn Văn Nam khẳng định: Các tham luận đều đạt được sự đồng thuận rất cao là "Dân tộc Việt Nam muốn "sánh vai với các cường quốc năm châu" thì không có sự lựa chọn nào khác ngoài phát triển kinh tế thị trường. Bởi vậy, mô hình kinh tế tổng quát mà Đảng ta xác định với vế đầu là "kinh tế thị trường" hoàn toàn đúng đắn và sáng suốt. Tuy nhiên, khi gắn vế sau vào, tức yếu tố XHCN thì phát sinh nhiều quan điểm khác nhau".

Đến từ Viện Kinh tế Việt Nam, PGS-TS Lê Cao Đoàn phân tích: Điều nhấn mạnh ở đây là việc đổi mới kinh tế chuyển sang kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập nền kinh tế vào tiến trình phát triển hiện đại của nền kinh tế toàn cầu lúc đầu không phải xuất phát từ hệ tư tưởng mà chịu sự thúc ép và quy định của quy luật tăng sức sản xuất, tăng hiệu quả trong phát triển kinh tế. Khi hệ kinh tế Xô viết bất lực trong việc giải quyết các quy luật kinh tế trên thì chính quy luật thép của kinh tế đó giúp người ta vượt qua được vấn đề hệ tư tưởng để đổi mới và phát triển.

Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – GS-TS Trần Ngọc Hiên cho rằng: Sự phát triển của nhà nước pháp quyền và chế độ dân chủ trở thành mắt xích chủ yếu giữa kinh tế thị trường với thể chế chính trị. Về mặt chính trị, sự phát triển kinh tế thị trường trở thành bước ngoặt kết thúc các chế độ chuyên chế và hình thành chế độ dân chủ. "Không thể coi là đã hình thành nền kinh tế thị trường khi nhà nước chưa ra khỏi tình trạng quan liêu, tham nhũng phổ biến. Không thể coi là đã có nhà nước pháp quyền khi trong xã hội còn thiếu dân chủ và tính tự phát của người dân còn phổ biến" – GS Hiên nói.

Cần làm rõ khái niệm "định hướng XHCN"

Cựu Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – GS Nguyễn Đức Bình ủng hộ khái niệm "kinh tế thị trường định hướng XHCN" nhưng không ủng hộ cách gọi đó là "mô hình tổng quát của thời kỳ quá độ". Lý do, theo GS Bình thì trước hết công thức này quá chung chung, trừu tượng. Kinh tế thị trường có thể hiểu được, chỉ cần ra đường là thấy nhưng định hướng XHCN chẳng thấy đâu. Hơn nữa, quá độ lên XHCN còn bao nhiêu yếu tố cơ bản khác chứ không chỉ là kinh tế thị trường. GS Bình cũng nhấn mạnh: "Kinh tế thị trường tự bản thân nó không mang thuộc tính định hướng XHCN. Trái lại, thuộc tính tự nhiên của nó là tiến lên chủ nghĩa tư bản".

Không nghĩ như GS Bình, GS-TSKH Lê Du Phong (Đại học Kinh tế quốc dân) nói: Cuối thế kỷ XX, kinh tế thị trường chuyển sang mô hình mới là kinh tế thị trường hiện đại. Đây là mô hình dựa trên nền tảng khoa học công nghệ tiên tiến, kết hợp hài hòa giữa bốn yếu tố: thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự – hội nhập quốc tế sâu rộng. Mục tiêu chung mà nền kinh tế hiện đại hướng đến là sự hưng thịnh của quốc gia, dân tộc, sự giàu có của người dân và sự bình đẳng giữa con người. GS Phong cho rằng: Vì khái niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN khó giải thích rõ ràng nên nó làm cho chúng ta không triệt để trong đổi mới tư duy kinh tế. Từ đó, cơ chế, chính sách và các giải pháp tổ chức, quản lý nền kinh tế chúng ta đưa ra không rõ ràng, dứt khoát và minh bạch.

Phát triển bền vững cần có nền kinh tế tri thức

GS Lê Du Phong đề xuất mô hình "Nền kinh tế thị trường hiện đại nhằm đảm bảo dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". PGS Lê Cao Đoàn đồng tình: "Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh là những giá trị nội tại của tiến trình phát triển toàn cầu, đã và đang được thực hiện trong thực tiễn phát triển".

Bổ sung cho các ý kiến trên, GS Hiên nói thêm, định hướng kinh tế thị trường phải gắn với xác định mô hình kinh tế theo xu hướng thời đại: định hướng phát triển bền vững, tức là "tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường" như đã nêu trong văn kiện (của Đảng – PV). Xu hướng này nảy sinh trên cơ sở sự ra đời và lớn mạnh của kinh tế tri thức. Vì vậy, muốn đi theo định hướng phát triển bền vững nền kinh tế, tất yếu phải sớm xây dựng nền kinh tế tri thức. Cả hai mặt đó đồng thời phát triển sẽ làm cho mục tiêu chính trị ngày càng hiện thực và mới có sức hấp dẫn.

Theo phân tích của GS Hiên, mô hình công nghiệp hóa dựa vào khai thác tài nguyên và nguồn lao động rẻ để thu hút đầu tư nước ngoài và dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng kinh tế đã để lại hậu quả nặng nề về mặt xã hội và môi trường. Đây là mô hình đã lỗi thời, không phù hợp yêu cầu xây dựng nền móng của chế độ mới cũng như xu thế thời đại.

"Từ góc nhìn vận động của lịch sử, có thể nhận thấy bản chất kinh tế thị trường nhất định đi đến một xã hội tương lai. đó là xã hội mang bản chất nhân văn, xã hội của sự phát triển tự do và toàn diện của cá nhân mỗi người, xã hội phát triển trong quan hệ hài hòa giữa con người với con người và con người với tự nhiên sau một quá trình lịch sử đầy máu và nước mắt" – GS Trần Ngọc Hiên nhấn mạnh.

L. K.

Nguồn: http://www.phapluattp.vn/news/chinh-tri/view.aspx?news_id=271023

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2009

Ông Huỳnh Ngọc Sĩ và ba ông nông dân

Anh Hoàng

11274
Biếm hoạ: báo Pháp luật TP. HCM

Một tháng rưỡi trước đây, trên báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh có đăng mẩu tin sau đây:

Ngày 10-8, TAND huyện Đức Trọng đã phạt Trương Ngọc Quyền năm năm tù, Vy Hoàng Bảo Hưng và Vy Kim Long mỗi người bốn năm tù về tội cướp tài sản theo khoản 2 Điều 133 BLHS (khung hình phạt cao nhất đến 10 năm tù).
Theo hồ sơ, tối 28-9-2008, Quyền cùng bạn bè đang nhậu thì hết mồi. Nhớ ra nhà hàng xóm có bầy vịt, Quyền sang xin bởi trước đó từng được nơi này cho một con vịt què. Lần này, Quyền không những bị từ chối mà còn bị con trai chủ vịt "mắng sốc". Bực bội, Quyền về rủ Hưng, Long, Hà (đã bỏ trốn) sang đánh "thằng nhỏ mà láo" cho bõ tức. Nghe tiếng chó sủa, người coi vịt cầm đèn pin ra rọi. Trong đêm, Hưng cầm một hòn đá nhỏ chọi về phía người coi vịt. Người coi vịt hoảng, chạy tọt vào chòi, đóng cửa lại, cùng con trai chủ vịt ở luôn trong đó. Chờ một lúc không thấy ai, Long bắt hai con vịt đưa cho Quyền rồi tất cả kéo về nhà làm thịt nhậu tiếp…
Sau đó, dù đã bồi thường cho nạn nhân hai triệu đồng và được bãi nại nhưng Quyền, Hưng và Long vẫn bị truy tố về tội cướp tài sản.

Anh bạn xe ôm của tôi ngồi chờ khách, mua ổ bánh mì nhai đỡ đói, ăn xong lại lấy mảnh báo gói bánh mì để đọc, tình cờ vớ được mẩu tin này, đọc xong xé mảnh báo đánh soạt, rồi lật đật ghép mấy mẩu giấy lại, chạy tới chất vấn tôi.

"Chú là người có ăn có học, chú giải thích giùm. Ông Huỳnh Ngọc Sĩ, bị tố cáo ăn hối lộ 820.000 đô la, lại bị ra toà vì tội cho thuê nhà trái phép, với số tiền nhỏ hơn 10 lần, là cái lý nó làm sao? Đã thế còn được giảm án, còn có 3 năm tù, là cái lý nó làm sao? Còn ba ông nông dân bắt hai con vịt, một ông bị kêu án 5 năm tù, hai ông còn lại mỗi ông 4 năm, là cái lý nó làm sao?"

Anh bạn hỏi dồn dập một hơi ba câu, câu nào cũng làm tôi ngắc ngứ. Nhưng rốt cuộc tôi phải gắng gượng trả bài:

"Cái lý nó thế này. Câu hỏi thứ nhất: Nhật bắt bỏ tù người Nhật đưa hối lộ, là theo đúng luật Nhật; còn người nhận hối lộ là cán bộ của ta, ta có truy tố theo tội danh này hay không, là lệ của ta. Cái đó gọi là chủ quyền quốc gia, nôm na là "nước sông không phạm nước giếng". Câu hỏi thứ hai: giảm án là do "nhân thân" tốt; chả lẽ "cống hiến" cho cách mạng bao nhiêu năm, mà không được chiếu cố hay sao? Là lý nhưng cũng phải có tình chứ? Ấy là chưa kể, nghe giang hồ đồn đại, "thân nhân" của ông Sĩ cũng rất tốt. Chẳng thế, mà ông chủ toạ Nguyễn Đức Sáu nổi tiếng "thiết diện vô tư", cũng phải tiết lộ ngay tại phiên toà (chắc để bà con hiểu thế kẹt của ông) rằng "trước khi vụ án được đưa ra xét xử, Tòa án TP HCM đã nhận được rất nhiều đơn từ, công văn của các ban ngành, tập thể "tha thiết" đề nghị tòa công minh xem xét giữa công và tội, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo."

Tôi nói chưa xong, thì anh bạn xe ôm mặt đã đỏ ửng lên, vứt toẹt mấy mẩu báo xuống đất, chen ngang:

"Thôi, chú đừng nói nữa. Theo cách nói của chú, thì tôi đã tìm ra câu trả lời cho câu hỏi thứ ba: Suy cho cùng, ông nông dân bị 4 năm tù, lý do ông là dân. Riêng chuyện làm dân thôi, đã là có tội rồi. Tại sao các ông nông dân ấy không làm quan đi? Cái xưa nay ta vẫn tin là công lý, đã bị mấy vị có trách nhiệm – vẫn rất tốt, vẫn rất trong, vẫn rất sáng, vẫn một lòng một dạ phục vụ cách mạng – nói nhầm thành cong lý. Nhầm một chút xíu thôi mà! Sá gì với công lao trời biển của các vị đối với dân tộc!

A. H.

http://bauxitevietnam.info/c/11271.html

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2009

Tướng Sĩ Tượng

Linh

10981

Tin 1: trước phiên tòa

"Khác với thường lệ, trước khi phiên xử bắt đầu, tòa đã yêu cầu tất cả mọi người rời khỏi phòng xử trước khi các bị cáo được dẫn giải đến vành móng ngựa. Phóng viên trong và ngoài nước phải tác nghiệp ngoài, thông qua 2 màn hình lớn. Lý do được chủ tọa đưa ra là để giữ sự nghiêm trang và không làm ảnh hưởng đến Hội đồng xét xử cũng như các bị cáo."

Tin 2: sau phiên tòa

"…chủ tọa Nguyễn Đức Sáu cũng cho biết, trước khi vụ án được đưa ra xét xử, tòa ánTP HCM đã nhận được rất nhiều đơn từ, công văn của các ban ngành, tập thể "tha thiết" đề nghị tòa công minh xem xét giữa công và tội, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo".

Tòa án TP HCM đuổi người dự phiên xử, trong đó có cả các cơ quan báo chí trong và ngoài nước, ra ngoài với lý do "không làm ảnh hưởng đến Hội đồng xét xử". Nhưng cũng chính chủ tọa phiên tòa lại thừa nhận rằng trước khi xử ông ta đã "đã nhận được rất nhiều đơn từ, công văn của các ban ngành, tập thể "tha thiết" đề nghị tòa công minh xem xét giữa công và tội, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo." Và một phần nhờ đó mà án phạt ông Sĩ chỉ còn là 3 năm tù giam, thấp hơn nhiều so với khung hình phạt 10-20 năm tù giam theo Điều 165 Bộ Luật Hình sự.

Thật buồn cười. Ông Tòa đuổi người dự xử một phiên tòa công khai vì sợ ảnh hưởng tới Hội đồng xét xử. Nhưng ông lại gián tiếp thừa nhận rằng Hội đồng xét xử đã chịu ảnh hưởng của những "công văn của các ban ngành, tập thể" (?)… đề nghị tòa "giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo". Đó là điều buồn cười thứ nhất.

Cơ quan tư pháp không độc lập, xét xử căn cứ vào tội trạng và bằng chứng mà lại thừa nhận ảnh hưởng của các ban ngành, tập thể trong quyết định xét xử. Đó là điều buồn cười thứ hai.

Bị cáo Sĩ bị phía Nhật cáo buộc là nhận 820.000 USD tiền hối lộ nhưng như những gì báo chí tường thuật về phiên tòa thì sự việc này không hề được Viện kiểm sát nhắc đến. Từ vụ án 820.000 USD xuống còn vụ án 52 triệu VND (là số tiền ông Sĩ nhận từ những người thuê nhà hữu hảo). Đó là điều buồn cười thứ ba.

Phiên tòa "gửi giấy triệu tập tới 87 người có liên quan trong vụ án nhưng chỉ có hơn chục người có mặt". Và việc vắng mặt tới 60-70 người liên quan đó cũng chẳng hề ảnh hưởng gì tới việc xét xử chóng vánh trong 2 ngày của phiên tòa. Đó là điều buồn cười thứ tư.

Một vụ án được đích thân "Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo", với sự tham gia hợp tác của cơ quan tư pháp hai nước mà hậu quả của nó khiến Nhật Bản tạm ngừng viện trợ ODA cho Việt Nam, thế mà cuối cùng thành ra một thứ đầu voi đuôi chuột, liên quan vỏn vẹn tới số tiền hơn 1 tỷ đồng cho thuê nhà sai nguyên tắc. Đó là điều buồn cười thứ năm.

Bị cáo Sĩ chắc hẳn sẽ chỉ phải ngồi tù chừng 1 năm, rồi sẽ được "đặc xá" sớm còn kịp đi ăn cưới con gái (bị hoãn do vụ án). Cũng là sui gia nhưng sui gia Tổng thống Indonesia thật xui xẻo, đường đường là sui gia Tổng thống đương nhiệm mà bị bốn năm rưỡi tù vì tội "tham nhũng". Đúng là một quốc gia không có tình. Ở Việt Nam "đất nước tình yêu" chúng ta thì chỉ là sui gia (dù chưa chính thức) của ai đó thì tòa án đã có thể nhận được rất nhiều đơn từ, công văn (sao không thấy ông Tòa nhắc tới thư tay hay điện thoại) xin giảm tội rồi. Và theo đó mức án cũng giảm chóng mặt, từ 10-20 năm tù (khung hình phạt) xuống còn 5-6 năm tù (đề nghị của VKS) xuống nữa còn 3 năm tù (án tuyên) và chắc sẽ xuống nữa còn… xxx (đặc xá).

Giá các lô-cốt đang gây tắc nghẽn, kẹt xe, lãng phí không biết bao nhiêu của cải, tài nguyên ở TP HCM cũng giảm đi với cùng tốc độ!.

Nguồn: http://everywhereland.blogspot.com/2009/09/tuong-si-tuong.html

Số 3 và những sự hoang mang

Trung Bảo

Thật ngẫu nhiên, có hai số 3 cùng liên quan đến hai tờ báo vì đề cập đến Hoàng Sa – Trường Sa.

Số 3 đầu tiên, đó là 3 tháng bị đình chỉ hoạt động của báo Du lịch khiến cho toàn bộ cán bộ, phóng viên phải điêu đứng. Tờ báo này là nơi đã đăng bài viết khẳng định chủ quyền của Tổ quốc ta với những quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa (HS – TS). Kết cục của việc làm trên là Ban biên tập phải nhận tờ quyết định đình bản 3 tháng kèm theo một lô, một lốc những sai phạm trong luật báo chí. Là người trực tiếp viết bài về HS – TS trên số báo Du lịch nói trên, tôi đã từng hoang mang vì không hiểu tại sao cổ vũ tinh thần yêu nước, góp phần tuyên truyền về chủ quyền biển đảo như Ban Tuyên giáo TW từng kêu gọi trước đó, lại khiến cho cả tờ báo bị đình bản, nhiều người bị liên lụy đến vậy. Hoang mang nhất là khi phải làm việc với cơ quan An ninh về bài viết của mình. Đây là thời đại nào mà yêu nước cũng bị "ngó nghiêng" xem có động cơ gì, có trong sáng không?!

Chuyện cũ qua rồi, cứ tưởng sẽ thôi không còn hoang mang nữa thì bản tin "giúp" khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo HS – TS đột ngột xuất hiện trên trang tin điện tử của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Cứ cho rằng một người trẻ tuổi như tôi còn "non yếu về bản lãnh chính trị" nên đã viết ra những dòng chữ tạo cơ hội cho nhiều "kẻ xấu" lợi dụng; vậy còn một người già dặn về đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản như ông Đào Duy Quát, người từng phát biểu những lời hừng hực như sau: "Các thế lực thù địch là nó chống phá ta gớm, gớm lắm các đồng chí ạ. Tôi có tổ chức đối thoại với các sinh viên tham gia cái cuộc, cái cuộc kích động do các thế lực thù địch tổ chức tháng 12 năm 2007. Tôi có hỏi: Làm cái gì? Để làm cái gì? Tôi hỏi các anh các chị. Các anh các chị làm như thế, biểu tình Trường Sa Hoàng Sa là của Việt Nam như thế là lợi hay là hại? Lợi hay hại??? Cho nên là, các đồng chí ạ, cái quán triệt cái tư tưởng là phải rất sâu sắc. Quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Trung ương là phải rất sâu sắc…" (trích từ blog Trang the Ridiculous).Một người từng nắm nhiều chức vụ quan trọng của Đảng Cộng sản, được trui rèn dưới ngọn cờ hồng nhiều năm như ông Quát mà lại để xuất hiện bản tin phản quốc nói trên, quả thực làm bọn trẻ như tôi có muốn không hoang mang cũng… không được.

Tột đỉnh của sự hoang mang là khi nghe tin trang tin điện tử này bị phạt 30 triệu đồng. Tôi biết chắc rằng 30 triệu đồng đối với mọi thành viên Ban biên tập, phóng viên, nhân viên ở báo Du lịch là số tiền lớn nhưng còn với ông Quát cùng bộ sậu Ban biên tập website nói trên thì tôi… không chắc. Lạ lùng, kêu gọi yêu nước thì bị đình bản tới 3 tháng còn đưa tin phản quốc lại chỉ bị phạt 30 triệu đồng. Cùng có hai số 3 nhưng khiến người ta hoang mang đến tột độ. Tôi hoang mang rút ra kết luận: "Yêu nước vô tổ chức sẽ bị phạt rất nặng còn phản quốc nhưng có chân trong tổ chức (thì cùng lắm) chỉ bị phạt 30 triệu đồng". Chẳng biết kết luận này đúng hay sai! Tôi vẫn hoang mang.

TB

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập.

http://bauxitevietnam.info/c/11081.html

Ai phải trả lời?

Ai phải trả lời?

Bìa báo Du lịch ấn bản Xuân Kỷ Sửu

Báo Du lịch trực thuộc Tổng cục Du lịch VN

Tôi đã thử đặt trên bàn hai thứ: Một là các trang báo Du lịch số Xuân 2009 với các bài viết mà vì nó, báo bị đình bản ba tháng - và cho đến tận hôm nay - toàn bộ nhân viên bị nghỉ việc không có lương ăn.

Tôi thì bị đình chỉ chức vụ và thu hồi thẻ nhà báo.

Và thứ hai, khác và "lạ", là bài báo trên trang Báo Điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam do ông Đào Duy Quát làm Tổng Biên tập, Trung ương Đảng là cơ quan chủ quản.

Báo này đã dịch ra và đăng tải thông tin khoe sức mạnh của quân lực ... "Tàu mình" đang tập trận nơi Biển Đông có Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, ca ngợi sự biểu dương lực lượng của nước "Tàu mình" như chốn không người nhằm xác lập vai trò của kẻ xâm lược.

So sánh để thử hiểu được điều gì đang xảy ra trên đất nước tôi và đau đớn phải hiểu ra là "không thể hiểu được".

Vì làm sao có thể hiểu nổi cùng là người Việt Nam "da vàng, mũi tẹt" mà ngôn ngữ "xa lạ" nhau đến vậy, cách đối xử với đồng đội, đồng chí mình sao mà ghê rợn như kẻ thù?

Đình bản ba tháng (từ 14/4/09 cho đến hôm nay 26/9/09 là 5 tháng 12 ngày) - từng ấy ngày không lương ăn, không việc làm và kinh khủng hơn là không ai thèm biết đến sự tồn tại của hơn 50 con người đang vất vưởng, tội nghiệp, chờ kiếm cho ra một người phụ trách mới.

Mà là tội gì?

Có chăng là tội muốn nói lên cho mọi người biết rằng Việt Nam vẫn có - và có nhiều - những thanh niên sẵn sàng xuống đường (và sẵn sàng chết) cho Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam (xem bài Tản mạn cho đảo xa của Trung Bảo).

Và cho dù đã "lỡ lầm" mất Ải Nam Quan thì cũng cần ghi dấu "Hận Nam quan" cho con cháu mai sau biết được rằng: Nước Việt Nam ta hình cong chữ S, liền một dải từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau (xem Hận Nam quan của Hoàng Cầm).

Vậy thì đâu là điều đúng, sai để làm ra một quyết định kỷ luật như sau:

"Quyết định đình bản báo Du lịch căn cứ vào "những sai phạm nghiêm trọng của báo Du lịch số Tết Kỷ Sửu 2009."

Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, "lãnh đạo báo Du lịch đã không chấp hành sự chỉ đạo đối với các thông tin quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, cho đăng những thông tin trên số báo Tết Kỷ Sửu 2009 vi phạm nghiêm trọng các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 6 và khoản 2 Điều 10 Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí."

Tại sao đăng?

Có một điều, dù đã có một vài người biết, nay tôi cũng muốn được nói ra.

Tác giả Trung Bảo của bài "Tản mạn cho đảo xa" là con trai đầu của tôi - đứa con mà khi nó vào đại học tôi đã căn dặn không được học và làm nghề báo.

Bởi hơn 20 năm làm báo, tôi đã phải chứng kiến và trải qua bao điều dâu bể để mong con chọn sự bình an trong cuộc đời.

Vậy mà như một định mệnh, cháu vẫn theo học khoa báo chí, ra trường làm việc ở báo Thanh Niên, và được xem là một thanh niên có ý thức đối với đất nước và có khả năng làm báo.

Có phải khi đã yên vị ngôi cao, được phong thánh bằng niềm kiêu hãnh đem lại độc lập dân tộc thì đất nước, lòng yêu nước đã trở thành của riêng một nhóm người độc quyền bắt người khác phải nghe, phải theo mình, mà mình thì không thấy điều gì quan trọng hơn cái ghế của mình hay không?

Nguyễn Trung Dân

Khi cầm bài báo Trung Bảo viết cho số Xuân Du lịch, tôi đã đắn đo rất lâu. Trong tình hình lúc ấy, với sự nhạy cảm cần thiết, tôi hiểu được điều gì có thể xảy ra khi các bài báo này được in ra.

Thế nhưng, tất cả những điều có thể xảy ra ấy có khiến tôi chùn tay không dám ký duyệt cho đăng bài viết này, mà khi đọc tôi thật sự xúc động tận tâm can?

Tôi thương cho bầu nhiệt huyết của lớp lớp tuổi trẻ sẵn sàng xả thân mình, xuống đường biểu tình và có lẽ không ngần ngại hy sinh thân mình khi tấc đất quê hương đang bị xâm chiếm.

Rồi tôi sợ.

Tôi sợ phải đối diện với ánh mắt con tôi, sợ phải nghe câu hỏi là bao nhiêu sự tích anh hùng của cha ông, sao bây giờ lại thế này?

Và điều quan trọng này nữa: Có phải khi đã yên vị ngôi cao, được phong thánh bằng niềm kiêu hãnh đem lại độc lập dân tộc thì đất nước, lòng yêu nước đã trở thành của riêng một nhóm người độc quyền bắt người khác phải nghe, phải theo mình, mà mình thì không thấy điều gì quan trọng hơn cái ghế của mình hay không?

Ghế Phó Tổng Biên tập phụ trách của tôi có đủ sức chịu đựng những câu hỏi ấy không? Và tôi, tôi đang ở đâu, ở nhóm nào khi đất nước đang có nguy cơ bị xâm lăng như vậy?

Không phải chỉ tôi trả lời và không phải chỉ một mình con tôi hỏi.

Cả dân tộc đang hỏi, và ai phải trả lời đây?

Hiểu hay không hiểu?

Chọn đăng những bài báo ấy, tôi còn có tính toán làm phép thử.

Bởi tôi vẫn tin rằng, đâu đó thẳm sâu trong lòng mọi người dân Việt, tấm lòng yêu nước nồng nàn đã đưa đất nước vượt qua bao họa xâm lăng sẽ khiến cho người có trách nhiệm biết cách lèo lái, sẽ phải "đưa cao đánh khẽ" để báo chí, công dân có cách thể hiện tấm lòng, sự quật cường, không chịu khiếp nhược vớí bất cứ kẻ xâm lược nào, khi mà vì lý do nào đó nhà nước đang còn vận động "ngoại giao"; và ngay cả khi cho là báo Du lịch có "sai" (nhưng sai rất chân thành).

Tôi đã nhầm. Họ đã cư xử như "Người lạ".

Tôi đã cố gắng giữ sự yên lặng.

Không than phiền việc mất chức, ngồi không (cái chức mà tôi vẫn tự trào là chưa kịp khoe với bạn bè đã mất).

Không viết lách gì và cũng không muốn phát biểu với ai để trần tình phải trái, dù rằng ai cũng đồng tình là tôi bị tai nạn, nhưng đều thấy tôi như người "chết rồi" từ khi có quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Vì tôi vẫn hy vọng, có thể ở "tầm của tôi" khó hiểu được cách làm, những ứng xử của "tầng vĩ mô".

Giờ đây tôi buộc phải thất vọng.

Cách thể hiện trên trang Báo Điện tử của Đảng (có nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện đất nước) và cách kỷ luật bằng tiền sự sai phạm, đối nghịch hẳn với sai phạm của báo Du lịch, của những người đang nắm vận mệnh quốc gia như đã làm, thì thật sự không hiểu nổi điều gì đang xảy ra với dân tộc chúng ta.

Nói không hiểu tức là đang hiểu vậy.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/09/090927_nguyentrungdan.shtml

Thư ngỏ của TS Nguyễn Quang A gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp

Hà nội ngày 27 tháng 9 năm 2009


Kính gửi Tiến sỹ luật Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Thưa Bộ trưởng,

Tôi, Nguyễn Quang A, công dân Việt Nam, có hộ khẩu tại 19 Đoàn Nhữ Hài, Phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, xin gửi Bộ trưởng lời chào trân trọng.

Ngày 8-9-2009 Bộ trưởng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng ký công văn số 3182/2009/BTP-PLDSKT (sau đây gọi tắt là công văn 3182) trả lời Kiến nghị ngày 6-8-2009 của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS gửi Thủ tướng Chính phủ. Công văn 3182 đã được đưa lên trang tin điện tử của Chính phủ ngày 19-9-2009 và sau đó đã được nhiều báo trong nước đăng lại. Kiến nghị ngày 6-8-2009 cùng với Tuyên bố ngày 14-9-2009 của Viện IDS đã phân tích những điểm sai cả về nội dung và thủ tục của Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ (sau đây gọi tắt là QĐ 97).

Trong thư này, tôi chỉ trình bày với Bộ trưởng về thủ tục, trình tự xây dựng QĐ97 dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong thời gian xây dựng, soạn thảo, thẩm định và ban hành QĐ97, tức là trong năm 2008 và 2009.

- Ngày 29-11-2006, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 71/2006/QH11 phê chuẩn Nghị định thư gia nhập hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); Nghị định thư đã được Chủ tịch nước công bố ngày 19-12-2006, có hiệu lực thi hành từ 11-1-2007. Nghị định thư có kèm theo Phụ lục các cam kết của Việt Nam phải áp dụng trực tiếp mà điều liên quan đang bàn tới ở đây được nêu rõ tại Điểm 4 của Nghị Quyết số 71:

"Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức hữu quan tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Cơ quan chủ trì soạn thảo phải đăng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trên Trang tin điện tử của Chính phủ và dành thời gian không ít hơn 60 ngày, kể từ ngày đăng dự thảo để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo".

….

"Trong trường hợp quy định của pháp luật Việt Nam không phù hợp với quy định của Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới, Nghị định thư và các tài liệu đính kèm thì áp dụng quy định của Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới, Nghị định thư và các tài liệu đính kèm".

Như thế, kể từ ngày 11-1-2007 các thủ tục trên là bắt buộc (thay cho các thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nếu các thủ tục ấy trái với Nghị định thư).

- Ngày 11 tháng 6 năm 2007 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kí công văn số 732/TTg-TCCB yêu cầu các Bộ và các cơ quan thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết 71 của Quốc hội.

- Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 ngày 6-6-2008, có hiệu lực từ 1-1-2009 (sau đây gọi tắt là Luật số 17/2008) quy định tại điều 67:

"Cơ quan soạn thảo có trách nhiệm đăng tải toàn văn dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên trang thông tin điện tử của Chính phủ hoặc của cơ quan soạn thảo trong thời gian ít nhất là sáu mươi ngày để cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến….

Cơ quan soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu ý kiến của cơ quan thẩm định, ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chỉnh lý dự thảo và báo cáo Thủ tướng Chính phủ".

Theo các quy định nêu tại Nghị quyết 71 của Quốc hội, Nghị định thư gia nhập WTO và Luật số 17/2008, việc soạn thảo, thẩm định và ban hành QĐ97 đã không thực hiện hai điều có ý nghĩa quan trọng đối với chất lượng của văn bản:

  • tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản;
  • công bố dự thảo ít nhất 60 ngày trước khi trình lên Thủ tướng.

Như vậy, về thủ tục, QĐ 97 không chỉ vi phạm pháp luật Việt Nam mà còn trái với cam kết quốc tế.

Thế mà, trong công văn 3182 Bộ trưởng lại khẳng định:

Quyết định 97 đã "được cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng từ đầu năm 2008. Toàn bộ các bước soạn thảo; lấy ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân; lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định đã được hoàn tất trong năm 2008 theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2002. … Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Quyết định số 97 là đúng thẩm quyền, đúng trình tự, đúng thủ tục, không vi phạm Điều 67 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008" .

Nói cách khác, ông Bộ Trưởng đã viện dẫn đến các điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2002. Ông đã không lưu ý rằng nếu các điều ấy trái với Nghị quyết 71 và Nghị định thư gia nhập WTO, thì phải áp dụng Nghị quyết 71 và Nghị định thư.

Tại công văn 3182, Bộ trưởng cho rằng vì việc soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định và trình Thủ tướng đã hoàn tất trong năm 2008 (nghĩa là trước ngày Luật số 17/2008 có hiệu lực thi hành) nên việc không công bố dự thảo 60 ngày trước khi trình Thủ tướng không vi phạm thủ tục (vì điều này không được quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực đến hết năm 2008). Lập luận như vậy đã bỏ qua, không đếm xỉa tới Nghị quyết 71 của Quốc hội và văn bản 732/TTg-TCCB của Thủ tướng Chính phủ.

Công văn 3182 còn lập luận rằng "Những việc được thực hiện trong năm 2009 (nghĩa là từ khi Luật số 17/2008 có hiệu lực) chỉ là nghiên cứu ý kiến tham gia, cân nhắc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Quyết định để ký ban hành. Ở giai đoạn này, ngay Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 cũng không quy định cơ quan soạn thảo phải đăng tải dự thảo Quyết định trên trang thông tin điện tử". Sự biện bạch này rất khiên cưỡng vì người dân không thể biết quy trình soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định được tiến hành vào thời gian nào, chỉ thấy một sự thật hiển nhiên là QĐ 97 được ban hành sau hơn 200 ngày luật số 17/2008 có hiệu lực (gấp hơn ba lần thời gian cần công bố để lấy ý kiến rộng rãi) mà không thực hiện một quy định của Luật rất quan trọng và thiết thực đối với quyền làm chủ của dân. Như vậy, không thể coi QĐ 97 là "đúng trình tự, thủ tục, không vi phạm điều 67 Luật số 17/2008" như biện bạch của Bộ trưởng trong công văn 3182.

Điều kiện bắt buộc để bảo đảm tính hợp pháp của một văn bản pháp quy là việc xây dựng, soạn thảo, thẩm định phải chấp hành đúng các thủ tục quy định. Chỉ xét riêng về mặt vi phạm thủ tục, chưa nói tới những sai phạm về nội dung (như Viện IDS đã phân tích trong kiến nghị ngày 6-8-2009 và trong tuyên bố ngày 14-9-2009), QĐ 97 đã không thể được coi là hợp pháp.

Vì vậy, tôi tha thiết đề nghị Bộ trưởng, với tư cách là Thủ trưởng cơ quan có chức năng và trách nhiệm xây dựng và nắm vững pháp chế về ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chịu trách nhiệm tổ chức, kiểm tra việc thực hiện pháp chế đó, thừa nhận rằng QĐ 97 vi phạm thủ tục quy định trong Nghị quyết 71 của Quốc hội, công văn chỉ đạo số 732 của Thủ tướng, Nghị định thư gia nhập WTO và Luật số 17/2008; trên cơ sở đó, kiến nghị với Thủ tướng hủy bỏ QĐ 97, giao cho các cơ quan hữu trách thu thập ý kiến rộng rãi và nghiên cứu kỹ hơn để xây dựng văn bản phù hợp với luật pháp, thấu suốt tinh thần Nghị quyết về trí thức đã được Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X thông qua tháng 7 năm 2008. Cách làm này sẽ góp phần củng cố lòng tin của dân đối với Chính phủ và Thủ tướng, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, cải thiện hình ảnh của nước ta và tránh được rắc rối quốc tế có thể xảy ra; tránh được việc các trí thức hay công dân có thể dùng các công cụ pháp lí hợp pháp để kiến nghị Ủy Ban Thường vụ Quốc hội tuyên QĐ97 là vô hiệu.

Tôi viết thư ngỏ vì công văn thể hiện quan điểm của Bộ Tư pháp về vấn đề này đã được đưa công khai trên mạng và mong rằng thư trả lời của Bộ trưởng cũng dưới hình thức công khai để những người quan tâm đến vấn đề này có thể bày tỏ ý kiến, giúp cho việc đánh giá và giải quyết vấn đề được thấu đáo.

Xin gửi Bộ trưởng lời chào trân trọng.


Nguyễn Quang A