Thứ Tư, 23 tháng 12, 2009

Việt Nam Mua Tàu ngầm Để Đối Phó Với Trung Quốc

Greg Torode và Minnie Chan, South China Morning Post
Cymbidium, X-Cafe chuyển ngữ
17.12.2009

Hà Nội ký hợp đồng mua sắm vũ khí với Moscow và kết thân với Quốc Phòng Hoa Kỳ trong lúc Trung Quốc bành trướng hải quân.

Trung Quốc đang đối diện với viễn cảnh của một thế lực tàu ngầm đối địch mới trong vùng biển tranh chấp Nam Hải khi ngày hôm qua, Việt Nam đã hoàn tất một hợp đồng mua vũ khí quan trọng với Nga. Đây là dấu hiệu quan ngại trong vùng mới nhất trước sự bành trướng hải quân của Bắc Kinh.

Hợp đồng mua tàu ngầm và phản lực cơ chiến đấu của Hà Nội là một hợp đồng lớn nhất từ khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt cách đây 35 năm. Hợp đồng cũng phản ảnh một quan điểm đang lan rộng trong vùng là sự phô trương khoác lác về sức mạnh tiềm ẩn của Bắc Kinh trong thập niên trước đang trở thành một thực tế rõ ràng.

Điều này trùng hợp với sự kiện là Úc, Indonesia, và Mã lai đang cố gắng bành trướng chương trình tàu ngầm trong lúc lo ngại là ưu thế và ảnh hưởng truyền thống của hải quân Hoa Kỳ trong khắp Đông Á sẽ dần dần bị soi mòn bởi sự bành trướng của hải quân Trung Quốc.

Qua hợp đồng mua sáu tàu ngầm hạng Kilo với giá hai tỷ đô la, Việt Nam thực ra cũng thắt chặt mối quan hệ quân sự mới với Moscow, một ân nhân chủ yếu của họ trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh sau sự sụp đổ quan hệ với Bắc Kinh, có thời là một đồng minh.

Các nhà ngoại giao Á Đông theo dõi hợp đồng cho biết Moscow cam kết giao mỗi năm một tàu ngầm trong vòng sáu năm tới và họ phỏng đoán rằng các chuyên viên Nga sẽ lo về những chương trình huấn luyện, trang bị và bảo trì.

Ấn Độ, một quốc gia hàng xóm và kỳ phùng địch thủ với Trung Quốc cũng có tàu ngầm Kilo và đã kín đáo cố vấn Hà Nội về những thử thách thiết lập một quân lực có khả năng tàu ngầm.

Việt Nam cũng đang đúc kết mối quan hệ quân sự với Hoa Kỳ, kẻ thù xưa, mà lực lượng hải quân của họ đang gia tăng sự có mặt ở biển Nam Hải.

Tàu ngầm Kilo chạy bằng dầu cặn được xem như thuộc về hạng chạy êm nhất hiện nay, nó là tàu chiến cực kỳ khó bị phát hiện và có thể được dùng để dò thám cũng như săn đuổi hoặc tấn công tàu nổi và tàu ngầm địch.

Xây dựng một chương trình tàu ngầm có hiệu lực sẽ là một thử thách lớn lao cho quân đội Việt Nam, một quân lực quen về đánh bộ.

Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia kỳ cựu về quân lực Việt Nam của Học Viện Quốc Phòng Úc nói, giống như Trung Quốc đang theo đuổi để tạo nên một lực lượng ngăn chặn hải quân chống lực lượng Hoa Kỳ hùng mạnh hơn, Việt Nam đang theo đuổi một lực lượng ngăn ngừa khả dĩ để chống lại Trung Quốc, hy vọng bảo vệ chủ quyền của họ ở biển Nam Hải.

Giáo Sư Thayer tuyên bố "Đây là một bước rất gan dạ. Rõ ràng bấy lâu nay là chủ quyền Việt Nam đang bị đe dọa trong vùng biển Nam Hải, và đó là điều mà Hà Nội cảm thấy đau lòng."

"Hà Nội biết là họ không bao giờ có thể hy vọng địch lại hải quân Trung Quốc, nhưng ít ra họ có thể làm cho Trung Quốc suy nghĩ chín chắn trước khi thử mọi cố gắng, tỷ dụ như đánh bật Việt Nam ra khỏi vài hòn đảo ở Trường Sa mà họ đang giữ. Ngay cả một vài chiếc Kilo cũng gây rắc rối thêm nhiều vì bỗng dưng anh phải nghĩ đến vài chiếc tàu bị đắm."

Đại Tướng về hưu Từ Quang Dư của Quân đội Giải Phóng Nhân Dân cho biết nước cờ đó đã được dự đoán trước. Ông nói "Đó không phải là điều ngạc nhiên hay là mối đe dọa cho Trung Quốc, bờ biển Việt Nam dài và chúng tôi hiểu là họ cần nâng cấp hải đội của họ. Có thể họ cảm thấy phải gấp rút vì chính chương trình hiện đại hóa của chúng tôi. Và tôi cũng sẽ không ngạc nhiên nếu các quốc gia khác cũng bắt đầu nâng cấp hải đội của họ. Hầu hết các lực lượng hải quân trong vùng chính họ cần phải nâng cấp và điều đó hoàn toàn dễ hiểu."

Ông ta tuyên bố rằng ganh đua là điều không thể tránh được ở bất cứ nơi đâu, "nhưng chúng ta không nên thả lỏng ganh đua. Hải Quân Giải Phóng Nhân Dân cũng đang ở trong giai đoạn tân trang nhanh chóng. Chúng tôi không cảm thấy bị đe dọa bởi các quốc gia láng giềng."

Căng thẳng âm ỷ bấy lâu nay về tranh giành chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam ở biển Nam Hải trở nên tồi tệ hơn trong vòng hai năm qua, sau khi Trung Quốc xây xong căn cứ tàu ngầm dưới đất ở đảo Hải Nam và hợp thức hoá cái gọi là chủ quyền lịch sử trên hầu hết tất cả vùng biển.

Cả hai bên không ngớt nhấn mạnh nhu cầu dàn xếp trong hòa bình có thương lượng, nhưng rất ít hy vọng sắp có một lối thoát ngoại giao.

Trung Quốc có một số tàu ngầm Kilo tại căn cứ Sanya ở Hải Nam, nơi có nhiều triển vọng là căn cứ cho một hạm đội đang được bành trướng gồm những tàu ngầm nguyên tử được trang bị hoả tiễn tầm xa - một yếu tố nằm sau sự gia tăng tuần tiễu và dò thám của Hoa Kỳ trong khu vực.

Trong sáu quốc gia khai chủ quyền trong vùng biển Nam Hải, chỉ có Việt Nam và Trung Quốc khai có chủ quyền trên tất cả các quần đảo chiến lược Hoàng Sa và Trường Sa. Đài Loan khai có chủ quyền trên tất cả các hòn đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh đã chiếm đoạt sau khi đánh bật hải quân Miền Nam Việt Nam thời trước vào những ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam, năm 1974. Trong khi đó, Việt Nam trấn giữ hầu hết các đảo trong nhóm Trường Sa.

Những quần đảo này nằm giữa hải lộ huyết mạch nối Đông Á với Trung Đông và Âu Châu và cũng nằm trên sàn biển được xem là phong phú về mỏ dầu và khí đốt. Bắc Kinh đã từng không ngớt cảnh cáo Việt Nam và Phi Luật Tân đừng tiếp tục hợp đồng thăm dò dầu hỏa với các hãng ngoại quốc.

Trong khi căng thẳng gia tăng, Việt Nam đang lẳng lặng cố gắng quốc tế hóa vấn đề - một nước cờ được thể hiện qua hợp đồng mới nhất với Nga và gia tăng quan hệ với Hoa Kỳ.

Thủ Tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng xác nhận hợp đồng giữa Bộ Quốc Phòng Việt Nam và công ty xuất cảng vũ khí nhà nước Rosoboronexport của Nga sau một buổi lễ ký kết với Thủ Tướng Nga, ông Vladimir Putin.

Ông tuyên bố với Cơ Quan Thông Tấn Pháp "Việt Nam đã ký một hợp đồng mua tàu ngầm, máy bay và thiết bị quân sự với các xí nghiệp tương xứng từ bên Nga."

Mặc dù tất cả chi tiết chưa được tiết lộ nhưng, giống như các tàu ngầm, nghe nói Việt Nam đã đặt mua 12 chiếc máy bay phản lực chiến đấu Sukhoi Su-30MK2 ngoài tám chiếc sẽ được giao sang năm.

Cả hai bên cũng thỏa thuận một hợp đồng xây nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam.

Những người trong kỹ nghệ quốc phòng Nga cho biết đàm phán đang tiến hành có liên quan đến trực thăng và tàu tuần tra. Nga từ lâu là nguồn cung cấp tàu chiến cho chương trình canh tân hải quân của Việt Nam, nhưng không hợp đồng nào trước đây sánh được với kích thước của hợp đồng này.

Cho đến ngày nay, Việt Nam chỉ có hai tàu ngầm thuộc loại nhỏ, mua cũ từ Bắc Hàn trong thập niên 1990.

Trong khi Thủ Tướng Dũng viếng Moscow, Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam, Đại Tướng Phùng Quang Thanh đang ở Washington trong một cuộc viếng thăm hy hữu để hội kiến với Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, Dr. Robert Gates.

Cuộc thăm viếng được cho là để thúc giục thỏa thuận cho phép sửa chữa hoặc tái tiếp liệu cho bất cứ tàu hải quân Hoa Kỳ viếng thăm, và có thể bán thiết bị quân sự giữa hai cựu thù.

Những viên chức của Ngũ Giác Đài cho biết sự ngần ngại xây dựng mối quan hệ quân sự thắm thiết hơn với Hoa Kỳ đã thuyên giảm đáng kể trong năm vừa qua. Năm nay, các viên chức quốc phòng Việt Nam được bay từ một phi trường ở thành phố Hồ Chí Minh và đáp xuống một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ.

Một viên chức Hoa Kỳ nói "Trước đây thì chúng ta thúc đẩy họ tiến tới, bây giờ thì ngược lại. Có một ước muốn là đã đến lúc nghiêng cán quân quan hệ quốc tế của Việt Nam thêm một chút nữa về phía chúng ta."

Vấn đề "làm cân bằng" sự trồi lên của Trung Quốc là một trong những chủ đề nóng hổi nhất đối với các nhà lãnh đạo trong vùng. Bộ Trưởng Cố Vấn của Singapore ông Lý Quang Diệu đã nói lên tâm trạng của họ vào tháng 10 khi ông đặt nghi vấn về sự minh bạch của Trung Quốc khi gia tăng quân sự và khẩn cầu Hoa Kỳ can thiệp. Ông tuyên bố "Hoa Kỳ có hiểm họa làm mất vai trò lãnh đạo toàn cầu nếu họ không cân bằng sự trổi dậy của Trung Quốc. Kích thước của Trung Quốc khiến tất cả các quốc gia còn lại của Á Châu gồm Nhật Bản và Ấn Độ không thể đối chọi lại được về trọng lượng cũng như khả năng trong vòng 20 hay 30 năm nữa. Vì thế, chúng ta cần Hoa Kỳ làm quân bằng cán cân."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét