Thứ Tư, 23 tháng 12, 2009

Việt Nam truy tố một luật sư với tội hình ở mức xử tử

Seth Mydans, The New York Times
23.12.2009

Nhằm tăng cường việc đàn áp những người đối lập trước kỳ Đại hội Đảng Cộng sản, Việt Nam đã khởi tố một luật sư nhân quyền nổi tiếng, từng du học ở Hoa Kỳ cùng hai đồng sự tội danh lật đổ chế độ với hình phạt ở mức tử hình, truyền thông nhà nước cho biết.

Luật sư Lê Công Định, 41 tuổi, đã bị bắt giữ vào tháng Sáu cùng với bốn người cổ võ cho dân chủ. Ban đầu họ bị khởI tố với tội danh phổ biến và nhẹ hơn là tuyên truyền chống phá nhà nước.

Hai tháng sau, một đoạn phim hơi rung cho thấy ông Định mặc áo sơ mi, đang ngồi tại một chiếc bàn nhỏ và đọc một bản thú tội viết tay trong khi những người cầm giữ ông di chuyển một cách ồn ào dù không xuất hiện trong ống kính.

"Tôi hối tiếc về những hành động sai trái của mình," ông Định nói, nhìn vào tờ giấy. "Tôi mong nhà nước khoan hồng."

Lời nhận tội này cùng những bản thú nhận tương tự của những người đối lập khác là một trong những biện pháp đàn áp mà các tổ chức nhân quyền cho biết là đã bao gồm hàng chục vụ bắt bớ và giam cầm khác.

Vào tháng Mười, chín người đã bị tuyên án từ hai đến sáu năm tù vì đã treo những băng rôn kêu gọi nền dân chủ đa đảng.

Các nhà ngoại giao và quan sát nói rằng những cuộc bắt bớ này không những nhằm mục đích trừng phạt mà còn thiết lập một giới hạn ngôn luận trước kỳ Đại hội Đảng, được dự định tổ chức vào đầu năm 2011.

"Đây là phát súng cảnh báo người dân nên giữ miệng," Carlyle B. Thayer nói, ông là chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc tại Canberra. "Bây giờ không phải là lúc để bạn khuyến khích sự giải phóng chính trị."

Môi trường cấm đoán còn bao gồm cảviệc giới hạn chặt chẽ hơn quyền tự do báo chí và các diễn đàn Internet, kể cả các trang blog chính trị. Việc cập nhật vào trang Facebook cũng vừa bị cấm đoán gần đây.

Tại một hội nghị của Ngân hàng Thế giới của các quốc gia viện trợ, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Michael W. Michalak đã nói về "sự giảm thiểu của không gian thông tin chân thực và tin cậy," cơ quan truyền thông Agence France-Presse tường thuật.

Bên ngoài đảng, những tiếng nói đòi hỏi tự do đang gây áp lực để được lắng nghe từ bên trong Việt Nam lẫn những người chống Cộng lưu vong đang lợi dụng triệt để khả năng của Internet.

"Nhà cầm quyền muốn cảnh báo sớm rằng hiện tại không phải là lúc để bạn trình bày quan điểm," một nhà phân tích ngoại quốc ở Hà Nội, thủ đô Việt Nam nói, không muốn cho biết tên vì "sự nhạy cảm của thời điểm".

"Đã có nhiều dấu hiệu cảnh báo không được lên tiếng," nhà phân tích nói. "Cho nên tình hình hiện nay tương đối yên tĩnh."

Những vụ bắt giữ đã bị chính quyền các nước phương Tây và các tổ chức nhân quyền lên án, đẩy nhà nước Việt Nam vào thế tự vệ.

Trong chuyến thăm Slovakia tuần trước, chủ tịch Nguyễn Minh Triết nói rằng Việt Nam không phải là đối tượng của những tiêu chuẩn từ phương Tây.

"Luật pháp của mỗi quốc gia thì khác nhau," ông nói. "Chúng dựa trên những điều kiện lịch sử địa lý khác nhau và vì thế không thể nào áp dụng luật lệ của nước này lên nước khác."

Tuy nhiên, theo tầm mức của những sự bắt giữ cho thấy, những quan điểm ấy lại đang bắt rễ vào mọi thành phần ở Việt Nam. Việt Nam đã chính thức từ bỏ các chương trình kinh tế Cộng sản từ năm 1986 với chính sách "đổi mới", hay cách tân kinh tế, và kể từ đó đã giải phóng nền kinh tế của mình, tham gia Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) năm 2007.

Nhưng khi Việt Nam, cũng như Trung Quốc, từ bỏ chủ thuyết Cộng sản chính thống, các nhà phân tích nói, thì cũng có những thành phần, đặc biệt là giới trẻ không có địa vị, tin rằng đất nước đang ổn định và phát triển đủ để nới lỏng hệ thống chính trị.

Những vụ bắt giữ này nhằm phủ đầu và làm nản lòng những thảo luận về tự do trong khi đại hội đảng đến gần, ông Thayer nói. "Những người bảo thủ đã trấn áp họ bằng cách gọi những tiếng nói đối lập là một vấn đề an ninh quốc gia," ông nói. "Làm sao mọi người có thể thúc đẩy một sự cởi mở trong kỳ đại hội tới khi mà họ có thể bị cáo buộc là đe doạ đến nền an ninh của nhà nước?"

Những cáo buộc dành cho ông Định đã cho thấy một mối quan tâm, thường được đề cập trên truyền thông nhà nước, về cái gọi là ảnh hưởng bất ổn khi tiếp xúc với phương Tây, hay là "diễn biến hoà bình", theo định nghĩa của Việt Nam và Trung Quốc. Những cảnh báo này liệt kê việc sụp đổ của Liên Sô vào năm 1989 và những cuộc cách mạng bất bạo động đã lật đổ chính quyền ở Ukraine and Georgia.

Một trong những cáo buộc nhắm vào ông Định là vào tháng Ba ông đã tham gia một khoá huấn luyện ba ngày tại Thái Lan, do một tổ chức chính trị của người Việt hải ngoại bảo trợ, tại đó có hai người Serbian đã trình bày những phương pháp đấu tranh bất bạo động.

Theo bài tường thuật đăng trên báo Thanh Niên, ông Định và các đồng sự đã "câu kết với những tổ chức phản động người Việt và các thế lực thù địch lưu vong" để thành lập một tổ chức chính trị phản động "nhằm lật đổ chính quyền nhân dân bằng phương pháp bất bạo động."

Ông Định và các đồng nghiệp đang đợi để ra toà sớm theo Điều khoản 79 bộ Luật Hình sự, "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân."

Ông Định, từng theo học ngành luật tại Đại học Tulane ở New Orleans trong hai năm với học bổng Fullbright, đã thường xuyên gặp gỡ các nhà ngoại giao và những người nước ngoài khác.

Ông từng giữ chức phó chủ tịch Hội luật sư TP Hồ chí Minh và vài năm trước từng đại diện chính phủ để bảo vệ thành công những người nuôi cá basa Việt Nam trong vụ kiện với những ngư dân Hoa Kỳ.

Gần đây, những hoạt động của ông mang đậm chất chính trị hơn, và ông đã cho đăng những bài viết ủng hộ dân chủ trên Internet và bảo vệ những luật sư nhân quyền khác bị buộc tội tuyên truyền chống nhà nước. Ngoài ra, căn cứ theo cáo trạng buộc tội, ông Định còn dùng vị thế luật sư của mình để lên tiếng về những vấn đề nhân quyền.

Trong một tranh luận trước toà vào năm 2007, ông được cho là đã nói rằng: "Thảo luận về dân chủ và nhân quyền không nên bị xem là chống chính quyền trừ phi chính quyền ấy chống lại dân chủ."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét