Thứ Tư, 4 tháng 11, 2009

Bộ trưởng công an: 'Cáo buộc của Nhật về vụ PCI là có cơ sở'

Bộ trưởng Lê Hồng Ành. Ảnh: C.T.

"Qua xem xét, chúng tôi thấy cáo buộc của phía Nhật Bản có cơ sở. Tuy nhiên, việc sử dụng hồ sơ điều tra nước ngoài cung cấp để làm căn cứ thì đây mới lần đầu tiên", Đại tướng Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Công an trao đổi với báo chí chiều 4/11.

- Thời gian qua, một số vụ án tham nhũng lớn đã được khởi tố, nhưng quá trình điều tra, xét xử lâu kéo dài, ví dụ như mảng tham nhũng vụ PMU18. Bộ trưởng giải thích thế nào về vấn đề trên?

- Việc tìm chứng cứ tham nhũng phải qua bút lục, chứng từ, văn bản hoặc có người biết việc đó. Nhưng thực tế một số tổ chức, cá nhân ở đơn vị có người tham nhũng không quyết liệt, thậm chí nể nang. Có trường hợp họ nói không biết, không cung cấp chứng cứ.

Theo cơ quan điều tra báo cáo tôi thì chưa có vụ nào chi bộ đảng tự phát hiện cán bộ tham nhũng và chứng cứ phạm tội. Cho nên vấn đề này còn liên quan đến ý thức trách nhiệm phòng chống tham nhũng của mỗi cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, trong số 17 vụ án lớn liên quan đến tham nhũng đến nay về cơ bản đã hoàn tất điều tra, một số vụ đã được xét xử. Vụ PMU 18 giai đoạn 2 cũng đã hoàn thành hồ sơ, đang chuyển cho VKS để hoàn chỉnh, rồi chuyển cho toà án.

- Dư luận rất quan tâm đến nghi án hối lộ của công ty PCI với ông Huỳnh Ngọc Sĩ. Sau khi hoàn tất phần dịch tài liệu do phía Nhật cung cấp, cơ quan điều tra có nhận định gì thưa Bộ trưởng?

- Qua thông tin ban đầu của Nhật Bản, chúng tôi đã điều tra, phát hiện sai phạm của ông Huỳnh Ngọc Sĩ trong việc cho thuê trụ sở và đã khởi tố điều tra, xét xử. Còn nghi án ông Sĩ nhận hối lộ, sau khi phía Nhật cung cấp toàn bộ hồ sơ khoảng 4.000 trang, đến nay việc dịch thuật đã hoàn tất.

Qua xem xét, chúng tôi thấy cáo buộc của phía Nhật Bản có cơ sở. Tuy nhiên, việc sử dụng hồ sơ điều tra nước ngoài cung cấp để làm căn cứ thì đây mới lần đầu tiên. Do đó phải xem xét luật pháp của Việt Nam, nếu không khi ra tòa luật sư cãi luật pháp Việt Nam không quy định vấn đề trên.

-Bộ trưởng vừa nói sau khi dịch tài liệu thì thấy tố cáo ông Sĩ nhận tiền của PCI là có cơ sở. Xin ông cho biết cụ thể vấn đề này?

- Ông Sĩ có thể là có vi phạm nhưng đây là hồ sơ của nước ngoài, để xử lý dữ liệu như thế nào thì còn phải nghiên cứu. Tài liệu của Nhật Bản cung cấp đầy đủ nhưng vụ án đang quá trình điều tra nên tôi chưa thể nói cụ thể.

Chúng tôi cũng đã bàn bạc với Viện kiểm sát, Toà án và thấy rằng nên trao đổi thêm với Bộ Tư pháp. Hiện nay, chúng tôi đã có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định về việc sử dụng hồ sơ nước ngoài. Ông Sỹ đang chịu án tù, nên không cần làm quá gấp. Mình làm chặt chẽ, các thủ tục phải cân nhắc, tính toán.

- Vừa qua một tờ báo Australia đã đăng tải thông tin về nghi án đưa hàng triệu USD cho một công dân Việt Nam để nhận hợp đồng in tiền polyme? Thông tin này đã được Bộ Công an xử lý thế nào?

- Bộ Công an có ký kết hiệp định với nhiều nước về lĩnh vực phòng chống tội phạm xuyên quốc gia. Những thông tin từ nước ngoài liên quan đến người Việt Nam tham nhũng cũng đều phải quan tâm. Thông tin về vụ polymer trên báo chí Australia, tôi cũng đã giao cơ quan điều tra liên hệ, nắm tình hình.

Cũng giống như trường hợp ông Sĩ, khi có thông tin mình phải đặt vấn đề phía bạn cung cấp và sau đó mình tiến hành điều tra ra sao.

- Kết quả liên hệ của công an Việt Nam với cơ quan chức năng Australia ra sao?

- Vụ việc này được đưa trên tờ báo của nước này. Có phải cơ quan chức năng Australia đưa thông tin này đâu mà chúng ta gửi văn bản đề nghị cung cấp tài liệu .Do đó, chúng tôi cử lực lượng tham gia trực tiếp với các cơ quan chức năng Australia để nắm tình hình.

Việt Anh ghi

Nguồn: http://vnexpress.net/GL/Phap-luat/2009/11/3BA154F6/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét