Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2009

Vụ Securency và lý tưởng chống tham nhũng

Lê Minh

viết cho BBCVietnamese.com từ Sydney

Việc cảnh sát Liên Bang Úc (AFP) mở điều tra về cáo giác cho rằng công ty Securency hối lộ để thắng thầu in tiền polymer cho Việt Nam đã bộc lộ một loạt các rắc rối trong thương mại, luật pháp và quan hệ chính phủ.

Cho đến ngày có ai đó hầu toà ở Úc, Việt Nam hay nơi khác, các diễn biến của vụ việc vẫn sẽ nặng tính phỏng đoán và giữ thể diện, với số lượng câu hỏi sẽ nhiều hơn câu trả lời.

Bài này trình bày một số phản biện và phân tích mang tính bối cảnh hầu giúp người đọc phán đoán về hướng phát triển của vụ bê bối này.

Nhập gia tùy "tục"

Điều tôi tạm gọi ở đây, "văn hóa tham nhũng," có lẽ xưa như trái đất .

Website của Securency

Vụ Securency làm nổi bật nhiều rắc rối

Ở các xã hội "duy tình cảm " và nặng tính gia đình như Trung Quốc, Việt Nam, hay rất nhiều nơi khác ở Á Châu, nơi thương lái châu Âu và Úc tới làm ăn, họ mong những gì? Họ mong có bạn hàng trường vốn, quan hệ rộng, quyền lực mạnh và ổn định.

Trung Quốc và Việt Nam, nơi mà xã hội dân sự theo chuẩn Phương Tây (civil society) và tầng lớp trung lưu (middle class) hiện chỉ trong giai đoạn phôi thai (và có thể mãi mãi chỉ phôi thai?), những yếu tố đó thường hội tụ ở các công ty của độc quyền nhà nước và chính phủ.

Cung cách làm ăn với phương Tây ở Việt Nam hiện tại có thể được coi là sự lặp lại của của hiện tượng kinh tế duyên hải ở Thượng Hải, Quảng Châu rồi Quảng Tây với việc hình thành nhanh chóng các "gương" thành công của các công ty "red chips" dùng vốn của Bắc Kinh (hoặc được Bắc Kinh cho phép dùng nguồn vốn khác.)

Và trước đó nữa, ở Đông Nam Á, là những "gương" làm ăn mang đầy tính gia đình, lạm dụng quyền lực, thông đồng chính phủ và kéo bầy cánh của các tổ hợp gia đình-chính phủ như Suharto, Marcos hay các loại tướng lĩnh ở Thái Lan.

Trong một bối cảnh như vậy, nếu bị chứng minh là tham nhũng, thì hiện tượng Securency với Việt Nam hình như cũng không khó hiểu.

Một số phản biện

Vào thời điểm 2002, khi đàm phán cho chuyện in tiền polymer cho Việt Nam, nếu nước Úc không làm ăn với Thống đốc Lê Đức Thuý, thì làm ăn với ai?

Ông Thúy có người con là Lê Đức Minh, mà ông Minh không nối nghiệp cha trong ngành ngân hàng thì nối nghiệp ai?

Chính sách gửi gắm con cái đã và đang tiếp tục ăn sâu trong hoạt động của các ngành, các bộ, các cơ quan chính phủ và dân sự hành chính cũng như sự nghiệp từ cao nhất xuống tới tầng thấp nhất ở Việt Nam.

Vậy liệu có gì lạ khi người ta thấy Công ty Phát triển Công nghệ (CFTD), của ông Lương Ngọc Anh có thời tuyển dụng ông Lê Đức Minh?

Ông Lương Ngọc Anh vốn là du học sinh ở Đại Học Monash, lại được tuyển vào làm trong Securency, am hiểu về văn hoá Việt và Úc, có tầm nhìn cả Đông lẫn Tây, phải chăng là lợi thế kinh doanh?

Khi nhận ông vào làm việc ở Securency người ta có kiểm tra tư cách an ninh của ông không?

Việc ông Anh có dính dáng đến bộ Công An ở Việt Nam hay không thì đã làm sao? Trực tiếp hay gián tiếp? Ai sẽ đứng ra chứng minh được điều đó?

Mà nếu chuyện tiền là có thật, thì liệu nó có liên quan gì đến hợp đồng in tiền? Người ta dùng tiền đặng mua cái gì khác thì sao?

Việc quan hệ chính phủ với chính phủ thường nằm ở tầng khác, vĩ mô hơn.

Công lý ở Úc

Một viên chức đã lăn lộn nhiều năm trong một cơ quan xúc tiến xuất khẩu của chính phủ Úc đã nhận xét : " Sao mà dân Úc họ lý tưởng hoá đến thế? Đòi chống tham nhũng?"

Ngay khi báo chí của tập đoàn truyền thông tư nhân Fairfax báo động vụ Securency, Ngân Hàng Dự Trữ của Úc (RBA) chuyển vụ việc sang cho Cảnh Sát Liên Bang (AFP) điều tra.

AFP lập tức lập hồ sơ, cắt cử nhân viên và liên hệ đến tất cả các bộ và cơ quan chính phủ để lên danh sách thẩm vấn tìm chứng cớ.

Ông Lương Ngọc Anh trong một bài báo

Giám đốc công ty CFTD được nhắc tới nhiều trong vụ Securency

AFP là cơ quan công quyền với toàn bộ nhân viên được thẩm tra kỹ càng về lòng trung thành với công lý, hành vi của họ được giám sát thường xuyên, và hoạt động của họ hoàn toàn độc lập, không khuất phục trước sức ép nào thậm chí từ nhà cầm quyền.

Những hạn chế đối với AFP là vấn đề ngân sách, thiếu thốn nhân lực. Ngoài ra, một điều đáng nhớ là AFP chỉ có chức năng điều tra tìm bằng chứng; những kết quả điều tra sẽ được chuyển sang cho toà án.

Ngoài AFP, người Úc còn có Ủy Ban Độc Lập Chống Tham Nhũng (ICAC). Ủy ban này hoàn toàn độc lập với tất cả các phe phái chính trị và hành pháp và lập pháp. Những báo cáo của ICAC đã từng khiến hàng loạt các viên chức cao cấp trong cảnh sát Úc rơi khỏi ghế và ra toà chịu án hình sự.

Động chạm đến vấn đề chuyển tiền và giám sát hoạt động tài chính, nước Úc còn có Ủy ban về Chứng Khoán và Đầu Tư (ASIC) và các hãng kiểm toán chuyên nghiệp đầy kinh nghiệm. Khi được lệnh, ủy ban này có thể giao các nhà kiểm toán tìm hiểu về mục đích, nhân sự và khách hàng cùng các bên hữu quan với các hoạt động chuyển tiền từ được cáo giác giữa Securency từ Úc sang Thụy Sĩ.

Theo luật, những nhân viên điều tra có thể xin lệnh tòa để kiểm tra sổ sách và tài sản của các công ty và đối tượng hữu quan.

Ngoài ra còn những người như các phóng viên Richard Baker và Nick McKenzie - vũ khí của họ là đạo luật Tự Do Thông Tin (Freedom of Information Act) - và trên hết, lương tâm làm báo và tính độc lập của truyền thông Úc.

Đó là những công cụ điển hình trong việc phấn đấu cho sự trong sạch và "lý tưởng" Úc kể trên.

Xung đột quyền lợi?

Tuy vậy, một chi tiết rất đáng chú ý liên quan tới Securency đó là sự bổ nhiệm gần đây của ông Roger Corbett vào chức Chủ Tịch của Tập Đoàn Truyền Thông Fairfax.

Tập đoàn Fairfax Media là chủ của hai tờ The AgeSydney Morning Herald, hai tờ báo tư nhân đã phanh phu ra những cáo giác tham nhũng liên quan tới Securency và Việt Nam.

Nhưng điều đáng nói ở đây là ông ta cũng là thành viên của Hội Đồng Quản Trị của Ngân Hàng Dự Trữ Úc (RBA).

RBA nắm khoảng 50 phần trăm vốn của Securency, công ty đang bị rọi đèn trực tiếp.

Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu ông Roger Corbett có ở vào vị trí "vừa đá bóng vừa thổi còi" ?

Một câu hỏi thô thiển nhưng cũng nên đặt ra, là khi ông Roger Corbett vào quản trị Fairfax, thì hai phóng viên Richard Baker và Nick McKenzie của báo The Age có hệ lụy gì không? Công việc điều tra và tư cách phóng viên của họ liệu có bị lái chệch sang hướng khác không?

Một khía cạnh khác liên quan đến cuộc điều tra hiện nay ở Úc có cần sự hợp tác từ phía Việt Nam. Nếu có thì sẽ mang hình thức và mức độ ra sao? Và trong cơ chế nào thì sự hợp tác như vậy sẽ không bị chệch đường hay "hữu nghị hóa"?

Tiền lệ?

Vụ Securency khiến người viết nghĩ nhiều về vụ bê bối của Hội Đồng Luá Mì Úc (AWB), diễn ra từ năm 2001. Xin nhắc lại một số điểm chính.

Vào tháng Hai 2006, báo chí Úc đồng loạt cáo giác rằng để thắng thầu hợp đồng cung cấp lúc mỳ cho Iraq trong khuôn khổ chương trình Đổi Thực Phẩm Lấy Dầu, AWB đã gián tiếp "lại quả" cho chế độ Saddam Hussein khoảng 290 triệu đôla Úc.

Một khía cạnh khác liên quan đến cuộc điều tra hiện nay ở Úc có cần sự hợp tác từ phía Việt Nam. Nếu có thì sẽ mang hình thức và mức độ ra sao? Và trong cơ chế nào thì sự hợp tác như vậy sẽ không bị chệch đường hay "hữu nghị hóa"?

Sự việc này đã được Liên Hiệp Quốc cảnh tỉnh từ năm 2001, được giới tình báo nước ngoài và Úc lập hồ sơ và báo cáo cho chính phủ Úc trong nhiều năm.

Cáo giác lúc đó rộ lên chuyện AWB chuyển trả cho công ty vận tải Alia của Jordan 300 triệu đôla công "vận chuyển" . Công ty này giữ lại một phần nhỏ rồi chuyển hầu như toàn bộ số tiền sang cho chính phủ của Saddam Hussein, lúc đó đang lâm chiến với Úc và phương Tây.

Tại Úc, vụ AWB bị công luận bàn thảo và phản biện rôm rả. Năm 2006, các điều tra viên tham gia ủy ban độc lập mang tên Cole (do Terence Cole, QC, cựu chánh án tòa Thượng Thẩm Sydney, đứng đầu) đã thẩm vấn một loạt các nhân viên Hội Đồng Quản Trị của ba công ty trực thuộc AWB, nhưng không thấy hội đủ các bằng chứng cấu thành tội phạm.

Khi xét hỏi các cựu giám đốc của AWB, các nhân viên điều tra gặp phải một loạt các hiện tượng bệnh lý và khó khăn như: mất trí nhớ, nhớ nhầm, nhìn nhầm, muốn tìm lại tài liệu mà không được, hay mất mát giấy tờ.

Cuộc điều tra Cole cũng buộc Thủ Tướng Úc lúc đó là John Howard, Ngoại Trưởng Alexander Downer và Bộ Trưởng Thương Mại Mark Vaile phải có những tuyên bố vô can.

Sau cùng, các nhà điều tra khẳng định AWB quả đã chuyển tiền cho chế độ Hussein ở Iraq và vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Nhưng điều đó chưa đến mức thành án hình sự.

Sau cùng nữa, ngày 28/8/2009 vừa qua người đứng đầu Cảnh Sát Liên Bang Úc Mick Keelty tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc điều tra về Hội Đồng Lúa Mì Úc (AWB) do "một loạt các yếu tố".Ông nói tiếp tục điều tra sẽ "không mang lại lợi ích gì cho xã hội."

Vài ngày sau đó, cảnh sát trưởng Mick Keelty từ nhiệm.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2009/11/091109_securency.shtml

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét